Sức Khỏe Cho Mẹ - Tương Lai Cho Bé
Trang chủ / Bệnh tay chân miệng lây qua đường nào? Cách phòng bệnh ra sao?

Bệnh tay chân miệng lây qua đường nào? Cách phòng bệnh ra sao?

Tác giả: Bác sĩ Wikimom

Bệnh tay chân miệng lây qua đường nào? Thực tế hầu hết các trường hợp tay chân miệng đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên nhiều trường hợp, bệnh diễn biến nhanh, chỉ nửa ngày sau đã chuyển sang cấp độ nặng hơn, làm tăng nguy cơ  biến chứng suy hô hấp. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ mắc bệnh.

1. Bệnh tay chân miệng lây qua đường nào?

Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Nguồn lây chính là từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Ngoài ra, còn có các con đường lây truyền virus gây bệnh tay chân miệng bao gồm:

  • Do người nhiễm bệnh tiếp xúc trực tiếp với trẻ.
  • Do hít, nuốt phải nước bọt hay các dịch tiết của người bệnh, khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện hoặc ăn uống chung
  • Do tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, phân của người bệnh.
  • Do trẻ dùng chung đồ chơi, hoặc chạm vào các vật dụng của trẻ đang mắc bệnh.
  • Do lây nhiễm qua bàn tay của người chăm sóc trẻ.

Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Các yếu tố mang tính sinh hoạt tập thể như: trẻ đi học tại trường mầm non, đến các nơi vui chơi tập trung đông người là một trong những yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt dịch bùng phát.

benh-tay-chan-mieng-lay-qua-duong-nao
Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi

Ở tuần đầu tiên khi nhiễm bệnh, người bệnh có khả năng lây lan virus mạnh nhất. Tuy nhiên, ngay cả sau khi các triệu chứng đã hết, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể nhiều tuần. Điều này chứng tỏ virus vẫn có khả năng lây cho mọi người xung quanh.

Do khả năng lây truyền nhanh nên bệnh tay chân miệng rất dễ bùng phát thành dịch lớn. Chính vì vậy, khi trẻ mắc bệnh, nếu không có biện pháp phòng tránh và điều trị kịp thời thì những trẻ xung quanh sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao.

benh-tay-chan-mieng-lay-qua-duong-nao
Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu qua đường tiêu hóa

2. Bệnh tay chân miệng lây qua đường nào: Biến chứng nguy hiểm của bệnh

Bệnh tay chân miệng thường tự khỏi, tuy nhiên một số trường hợp có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

– Ảnh hưởng đến việc ăn uống của trẻ: Bệnh gây ra các vết lở, loét trong miệng và cổ họng khiến trẻ đau đớn và gặp khó khăn trong việc nuốt, do đó trẻ thường lười ăn uống…

– Biến chứng về thần kinh:

  • Viêm màng não do virus: Đây là tình trạng nhiễm trùng và viêm ở màng não, dịch não tủy.
  • Viêm não: Tình trạng này rất nghiêm trọng do virus gây ra viêm ở não nên có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng.
  •  Liệt chi: người bệnh yếu, bị liệt một hoặc nhiều chi.

– Biến chứng hô hấp tuần hoàn như: Tổn thương cơ tim, trụy tim mạch, suy tim, phù phổi cấp và có thể khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.

Bệnh tay chân miệng thường tự khỏi, tuy nhiên một số trường hợp có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm

Trẻ bị mắc tay chân miệng rồi có bị lại nữa không?

Trẻ đã mắc tay chân miệng rồi vẫn có nguy cơ bị tái nhiễm. Mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể trẻ chỉ tạo ra kháng thể đặc hiệu với một loại virus nhất định, do đó vẫn có thể mắc bệnh thêm lần nữa nếu nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus. Đặc biệt, với những trẻ miễn dịch suy giảm như: trẻ suy dinh dưỡng, trẻ nhiễm HIV… sẽ có nguy cơ tái nhiễm bệnh tay chân miệng cao hơn.

Phòng bệnh như thế nào?

Nếu đang ở trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh là phòng lây lan bệnh từ người đang bệnh sang người lành, bằng các biện pháp như:

  • Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân 
  • Cách ly trẻ bệnh tại nhà: Không cho trẻ đến trường học, nhà trẻ, nơi các trẻ chơi tập trung trong vòng 10-14 ngày đầu của bệnh
  • Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch, nếu nghi ngờ bị bệnh cần phải được cách ly
  • Không được chọc vỡ các mụn nước, bọng nước trên da bệnh nhân để tránh tình trạng bội nhiễm
  • Vệ sinh môi trường sống: Vệ sinh phòng ở của người bệnh, khử khuẩn các bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%.
  • Xử lý chất thải, quần áo, ga trải giường của người bệnh và các dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.
  • Người nhà hay nhân viên y tế sau khi thăm khám, sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt của người bệnh,… cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng 

Trẻ em trong giai đoạn từ 6 tháng – 3 tuổi, nếu bé ăn dặm sớm hoặc việc lưu trữ và pha chế sữa cho bé không đảm bảo, trẻ có thể dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, hay các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa. Đặc biệt, trong giai đoạn này trẻ có thể chậm nói, chậm vận động… nên cha mẹ cần chú ý đặc biệt đến việc chăm sóc và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.

Một số sai lầm cần tránh trong khi điều trị cho trẻ tay chân miệng

  • Bố mẹ thường rất hay lo lắng khi trẻ nổi nhiều mụn nước, nhưng điều này cho thấy tình trạng bệnh nhẹ hơn so với nổi các mụn nước ẩn dưới da. 
  • Với trẻ không bị loét miệng, bội nhiễm thì cha mẹ không nên sử dụng thuốc kháng sinh, vì lúc này cơ thể của trẻ rất yếu. Sử dụng thuốc kháng sinh quá nhiều có thể gây ra một số tác dụng phụ, ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể trẻ và khiến tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn.
  • Nên hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh khi điều trị cho trẻ bị bệnh tay chân miệng.
  • Mặt khác, việc uống quá nhiều các loại vitamin trong thời gian bị bệnh cũng là điều không cần thiết. Bên cạnh đó, việc kiêng tắm cũng có thể khiến trẻ bị ngứa ngáy, nhiễm trùng. Do vậy, cha mẹ nên tắm cho trẻ như bình thường, nên tắm nước ấm và trong phòng  kín gió.

082.959.3399
Zalo Messenger
Đăng ký tư vấn Nhi khoa Online Miễn Phí