Cách chăm sóc và điều trị cho trẻ bị viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên ở trẻ là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các bộ phận thuộc đường hô hấp trên. Bệnh dễ tái phát nhiều lần khiến các cha mẹ không khỏi lo lắng. Vậy nên chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp trên thế nào và có những cách điều trị nào hiệu quả nhất?
Dưới đây Wikimom xin hướng dẫn cha mẹ về vấn đề này.
Triệu chứng viêm đường hô hấp trên
Triệu chứng dễ nhận biết nhất ở trẻ bị viêm đường hô hấp trên là: sốt cao, sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng, ho nhiều, khàn tiếng, cơ thể mỏi mệt…
Trong thời gian trẻ bị nhiễm bệnh thường sẽ sốt cao kèm theo các dấu hiệu như: hơi thở hôi, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói. Trẻ xuất hiện các cơn ho ở nhiều dạng như: ho khan kéo dài, ho có đờm, ho từng cơn…
Sau 5 – 7 ngày, trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên sẽ tự khỏi. Bệnh này thường không gây nguy hiểm nhưng lại hay tái phát liên tục, gây ra nhiều vấn đề và ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống hàng ngày của trẻ. Vậy trẻ bị viêm đường hô hấp trên có những cách điều trị nào là hiệu quả nhất?
Cách điều trị viêm đường hô hấp trên
Cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng những phương pháp dưới đây để điều trị cho trẻ bị viêm đường hô hấp trên:
1. Điều trị bằng thuốc
Thuốc điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên chủ yếu là sử dụng các loại thuốc để giúp giảm sốt, giảm ho, hay chống viêm tại chỗ,… Cha mẹ lưu ý không nên tự tiện mua thuốc cho bé dùng, mà nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tùy theo tình trạng bệnh của trẻ.
Với các trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp trên nguyên nhân do virus gây ra thì hầu hết là sẽ điều trị các triệu chứng bằng những loại thuốc vừa kể trên. Còn đối với trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn gây ra thì có thể dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm để điều trị nhưng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
2. Cách điều trị không dùng thuốc tại nhà
Cha mẹ có thể giúp trẻ khỏi bệnh nhanh chóng bằng việc áp dụng những cách làm sau:
2.1. Với trẻ bị tình trạng ngạt mũi, nước mũi chảy nhiều:
- Làm thông thoáng mũi cho bé bằng cách dùng khăn khô mềm
- Dùng nước muối sinh lý loại dành cho trẻ em, nhỏ vào 2 bên cánh mũi để làm loãng dịch mũi, sau đó sử dụng cụ hút mũi để lấy dịch mũi ra (không dùng miệng để hút mũi cho bé, vì miệng người lớn có nhiều vi khuẩn gây hại cho bé). Cuối cùng, dùng tăm bông sạch để lau khô mũi cho trẻ.
- Nếu dịch mũi của trẻ quá nhiều, hay đặc quánh, cần làm thông mũi cho trẻ trước khi cho bé ăn hoặc bú sữa, để tránh tình trạng bé bị nôn trớ khi ăn uống.
- Nên đặt bé nằm cao đầu hoặc bế trẻ ở tư thế đứng song song với cơ thể mẹ.
- Nên giữ ấm cơ thể cho bé khi thời tiết lạnh, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nên cho trẻ ở những nơi thoáng mát, tránh ẩm thấp.
2.2. Với trẻ bị sốt cao:
- Nếu trẻ bị sốt ở mức từ 37,5 – 38,5 độ C, hãy cho trẻ nằm trong phòng mát, mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi. Cho trẻ uống nhiều nước, chườm ấm cho bé ở các vùng trán, nách, bẹn bằng nước ấm. Cho bé ăn uống đầy đủ, đo nhiệt độ cơ thể cho trẻ để theo dõi xem trẻ có sốt không.
- Với trẻ sốt trên 38.5 độ C: vẫn tiếp tục chườm ấm cho trẻ ở các vùng trán, nách, và 2 bên bẹn. Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt dạng uống hoặc viên đặt hậu môn (thuốc paracetamol với liều từ 10 – 15mg/kg/lần). Sau 4 – 6 tiếng, nếu nhiệt độ cơ thể trẻ vẫn trên 38.5 độ, có thể tiếp tục sử dụng thuốc hạ sốt.
- Có thể kết hợp tắm nước ấm cho bé giúp hạ nhiệt độ cơ thể, tránh tình trạng trẻ bị co giật khi sốt quá cao.
2.3. Với các triệu chứng ho:
Cha mẹ có thể cho trẻ uống một chút mật ong pha loãng, hoặc cho trẻ ăn quất hấp với đường phèn và gừng cũng sẽ giúp giảm ho hiệu quả.
Ngoài ra khi trẻ ho nhiều, có thể sử dụng một số thuốc ho thảo dược hoặc thuốc ho có sự kê toa của bác sĩ.
2.4. Với trẻ bị nôn:
Khi trẻ bị nôn, cha mẹ hãy cho trẻ nằm nghiêng đầu sang 1 bên, làm sạch chất nôn ở miệng, mũi, họng,… Nếu trẻ bị nôn nhiều kèm theo dấu hiệu mắt trũng, da nhăn nheo, trẻ mệt li bì thì nên đưa bé đến ngay bác sĩ để được khám chữa kịp thời.
Viêm đường hô hấp trên ở trẻ là một bệnh thông thường lành tính. Nhưng nếu cha mẹ thấy trẻ gặp phải một trong các dấu hiệu dưới đây, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để điều trị kịp thời:
- Trẻ bỏ bú hoặc không ăn uống được
- Trẻ bị khó thở, thở gấp, hoặc thở rút lõm lồng ngực… đây là dấu hiệu của bệnh viêm phổi, biến chứng nguy hiểm của viêm đường hô hấp trên.
- Trẻ sốt cao không hạ, sốt kéo dài từ 2 – 5 ngày.
Cách phòng bệnh cho trẻ bị viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên là bệnh dễ mắc nhất ở trẻ nhỏ, do vậy, biện pháp phòng bệnh cho trẻ cần được đặt lên hàng đầu:
- Cho bé tiêm đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng quốc gia.
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu, không nên cai sữa cho trẻ quá sớm.
- Hạn chế cho bé đến nơi đông người nhất là vào mùa dịch bệnh.
- Giữ gìn vệ sinh cho trẻ, đặc biệt là cần rửa tay cho trẻ sạch sẽ trước khi ăn để diệt trừ virus.
- Cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ mọi dưỡng chất để giúp tăng sức đề kháng cho trẻ.
Những biện pháp phòng bệnh trên đây tuy đơn giản nhưng lại rất hiệu quả trong việc giúp trẻ nhỏ phòng tránh bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên.
Ngoài ra, khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như: sốt cao, ho nhiều, tiêu chảy, nôn kéo dài, khó thở, thở co lõm ngực, cha mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.