Cách nhận biết dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ
Tắc tuyến lệ là một bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và thường biểu hiện ngay trong những ngày đầu sau sinh. Sau khi trẻ lớn dần, tình trạng này có thể tự khỏi, tuy nhiên một số trường hợp trẻ bị tắc tuyến lệ nên được can thiệp sớm hơn.
Tắc tuyến lệ trẻ sơ sinh là gì?
Tắc tuyến lệ còn có tên gọi khác là tắc tuyến lệ đạo là tình trạng ống dẫn nước mắt bị tắc một phần hoặc tắc hoàn toàn.
Lệ đạo (tuyến lệ) có cấu tạo đặc biệt, là hệ thống ống bắt đầu bằng điểm lệ ở góc trong của mi mắt và kết thúc tại khe mũi dưới. Do là hệ thống ống nên bệnh lý thường gặp nhất ở lệ đạo là tắc lệ đạo. Khi có hiện tượng tắc lệ đạo, nước mắt sẽ bị trào ra ngoài do không được dẫn lưu xuống mũi.
Do vậy, dấu hiệu thường gặp nhất là chảy nước mắt. Mặt khác, nếu quá trình tắc lệ đạo kéo dài, có thể gây ra nhiễm khuẩn tại đường lệ do nước mắt bị ứ đọng lâu tại túi lệ.
Với trẻ sơ sinh, nhất là ở những trẻ trong vài ngày đầu sau sinh sẽ thường gặp bệnh lý tắc tuyến lệ đạo. Theo thống kê, ước tính có tới 30% trẻ sơ sinh được sinh ra với tuyến lệ bị tắc.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh tắc tuyến lệ
Một trong số các nguyên nhân hay gặp nhất của tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là do lớp màng bao bọc phần cuối của ống dẫn nước mắt không hoạt động đóng mở như bình thường, khiến cho ống dẫn bị tắc nghẽn. Vấn đề này được gọi là tắc tuyến lệ đạo bẩm sinh.
Mặt khác, một số nguyên nhân sau cũng có thể khiến trẻ bị tắc tuyến lệ:
- Không có điểm lệ hoặc hẹp điểm lệ
- Hệ thống ống dẫn nước mắt quá hẹp
- Rò túi lệ mũi bẩm sinh
- Nhiễm trùng
- Do hội chứng Down, chấn thương hay do những điểm bất thường ở vùng xương hàm mặt, xương bị lệch vị trí hoặc vẹo có thể làm chặn ống dẫn nước mắt từ khoang mũi,…
- Polyp mũi
- Khối u
- Các triệu chứng khác: ví dụ do cảm lạnh có thể làm các biểu hiện của tắc tuyến lệ ở trẻ trầm trọng thêm.
Nhận biết dấu hiệu tắc tuyến lệ trẻ sơ sinh thế nào
Các dấu hiệu nhận biết tình trạng tắc tuyến lệ ở trẻ có thể tương tự như nhiễm trùng mắt ví dụ như đau mắt đỏ. Khi trẻ mới sinh, các dấu hiệu này thường xuất hiện ngay trong vài ngày hoặc vài tuần đầu tiên. Trẻ có thể gặp các biểu hiện bao gồm:
Trẻ sơ sinh liên tục bị chảy nước mắt, làm cho mắt trẻ trông có vẻ ẩm hơn. Nếu không kịp thời điều trị tình trạng trẻ sơ sinh liên tục bị chảy nước mắt, có thể sẽ dẫn đến việc tái đi tái lại các biến chứng nhiễm trùng mắt.
- Trẻ thường xuyên dụi mắt do mí mắt sưng và đỏ nhẹ
- Mí mắt dính vào nhau
- Mắt đóng ghèn hoặc có mủ
Với trẻ bị tắc tuyến lệ hoàn toàn, bạn sẽ luôn nhìn thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng, còn nếu trẻ bị tắc tuyến lệ một phần, bạn chỉ có thể nhìn thấy triệu chứng khi trẻ chảy nước mắt nhiều hoặc trẻ bị tình trạng nghẹt mũi giống như trẻ bị cảm lạnh.
Đa số trẻ bị tắc tuyến lệ bình thường không có các triệu chứng khác. Nên theo dõi thêm các dấu hiệu nhiễm trùng xung quanh tuyến lệ, bao gồm:
- Sưng tấy
- Đỏ
- Đau đớn
- Sốt
Những dấu hiệu trên cho thấy túi lệ mũi có thể bị nhiễm trùng nằm trong khóe mắt, tình trạng này được gọi là viêm túi lệ.
Tắc tuyến lệ trẻ sơ sinh chẩn đoán như thế nào?
Trẻ em thường được chẩn đoán bị tắc nghẽn tuyến lệ dựa trên các triệu chứng, tiền sử bệnh.
Thực tế, nhiều trẻ sơ sinh đến khoảng hai tuần tuổi hoặc lớn hơn một chút mới bắt đầu chảy nước mắt, chính vì thế bạn có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy trẻ bị tắc tuyến lệ khi trẻ mới chào đời.
Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh điều trị bằng cách nào?
Đa số trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ bẩm sinh đều sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nếu có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, một số phương pháp điều trị sau đây cha mẹ có thể áp dụng bao gồm:
- Mát-xa mũi cho trẻ từ 2 đến 3 lần một ngày.
- Dùng khăn ấm lau sạch dịch tiết hoặc bất kỳ chất bẩn nào dính vào mắt trẻ
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh nếu dịch tiết ở mắt trẻ tiết ra quá nhiều
- Sử dụng thuốc kháng sinh đường uống nếu trẻ có các biểu hiện của tình trạng viêm túi lệ.
Khi trẻ từ trên 3 tháng tuổi trở lên, mà tình trạng tắc tuyến lệ vẫn không tự biến mất, cha mẹ có thể cần phải:
- Từ 3 đến 8 tháng tuổi: Tùy theo tình trạng bệnh, có thể tra thuốc, bơm thông lệ đạo hoặc day vùng túi lệ.
- Sau 8 tháng tuổi: tiến hành bơm thông lệ đạo bao gồm bơm thông lệ đạo gây tê tại chỗ và bơm thông lệ đạo gây mê.
- Sau 1 năm tuổi: Khi giải pháp thông lệ đạo không giải quyết được tình trạng tắc, trẻ nên được phẫu thuật nối thông túi lệ-mũi.
Nếu trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ do những nguyên nhân khác gây nên, thì bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn kế hoạch điều trị cụ thể, chẳng hạn như:
- Trường hợp nếu bị rò túi lệ: điều trị bằng phương pháp phẫu thuật đóng lỗ dò
- Không có điểm lệ: có thể thực hiện rạch làm thông lệ đạo
Tóm lại, để có thể biết chính xác về tình trạng trẻ đang mắc phải, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra. Đồng thời cha mẹ cũng nên theo dõi để biết các dấu hiệu nhiễm trùng của trẻ và báo lại cho bác sĩ kịp thời. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần lưu ý đưa trẻ bị tắc tuyến lệ đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu trẻ có tình trạng ốm hoặc sốt.