LỊCH TIÊM PHÒNG ĐẦY ĐỦ NHẤT CHO TRẺ THEO TỪNG THÁNG TUỔI

Lợi ích của việc tiêm phòng cho trẻ đầy đủ, đúng lịch, đúng phác đồ là để bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, cúm, rubella, viêm não mô cầu, viêm màng não, thủy đậu… trong suốt cuộc đời.

Vì sao trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ?

tiêm phòng cho trẻ

tiêm phòng cho trẻ

Dưới 5 tuổi, sức đề kháng của trẻ còn rất non yếu, đặc biệt đối với trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng,… Trong khi đó, điều kiện môi trường phức tạp, thời tiết, khí hậu, nhiệt độ diễn biến bất thường… tạo điều kiện cho nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm phát triển. Dịch bệnh tấn công là một trong những nguy cơ tiềm ẩn luôn thường trực đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Chưa kể hiện nay, một số dịch bệnh đang có khuynh hướng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp như SARS, H1N1, H5N1, trong khi đó, khả năng điều trị một số bệnh của y học hiện đại vẫn còn hạn chế, thậm chí ngay cả khi đã được điều trị kịp thời vẫn có thể tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề. Đó là lý do vì sao trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi cần được tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe trọn đời.

Lợi ích của việc tiêm chủng cho trẻ chính là giúp cơ thể trẻ tạo ra kháng nguyên, kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể. Kháng thể được hình thành có nhiệm vụ tiêu diệt vi rút, vi khuẩn và tồn tại trong máu để bảo vệ cơ thể chống các tác nhân gây bệnh ở những lần xâm nhập sau.

Dưới đây là lịch tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ theo từng tháng, cha mẹ nhất định phải ghi nhớ hoặc lưu lại để đảm bảo bé được chích đủ mũi, đúng thời gian và đúng phác đồ, đảm bảo nền tảng sức khỏe cho sự phát triển toàn diện của bé sau này.

1. Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh (tiêm càng sớm càng tốt sau khi sinh):

  • Vắc xin Engerix B/ Euvax B liều sơ sinh phòng bệnh Viêm gan B, tiêm cho trẻ 24 giờ đầu sau sinh.
  • Vắc xin BCG liều sơ sinh phòng bệnh lao.

2. Tiêm phòng cho trẻ 2 tháng tuổi:

  • Vắc xin kết hợp phòng 6 bệnh (ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra như viêm phổi, viêm màng não mủ) dạng 6 trong 1 Infanrix hexa (Bỉ)/ Hexaxim (Pháp) hoặc dạng 5 trong 1 Pentaxim (Pháp), Infanrix IPV + Hib (Bỉ) (không có thành phần kháng nguyên viêm gan B). Tiêm mũi 1.
  • Vắc xin Rotarix (Bỉ), Rotateq (Mỹ), Rotavin-M1 (Việt Nam) phòng Rota virus gây bệnh tiêu chảy cấp. (liều 1)
  • Vắc xin Synflorix (Bỉ), Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 1)

3. Tiêm phòng cho trẻ 3 tháng tuổi:

  • Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1. Tiêm mũi 2. (Nếu tiêm 5 trong 1 thì phải bổ sung mũi viêm gan B).
  • Vắc xin uống phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus (liều 2).

4. Tiêm phòng cho trẻ 4 tháng tuổi:

  • Vắc xin kết hợp 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 mũi 3 (nếu tiêm vắc xin kết hợp 5 trong 1 thì tiêm thêm mũi viêm gan B).
  • Vắc xin Synflorix (Bỉ)/ Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 2).
  • Vắc xin uống phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus (liều 3).

5. Tiêm phòng cho trẻ 6 tháng tuổi:

  • Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp) phòng bệnh cúm (Tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng).
  • Vắc xin VA-MENGOC-BC phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C (mũi 1)
  • Vắc xin Synflorix (Bỉ)/Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 3).

6. Tiêm phòng cho trẻ 9 tháng tuổi:

  • Vắc xin VA-MENGOC-BC (Cu Ba) phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C (mũi 2)
  • Vắc xin sởi đơn MVVac (Việt Nam) phòng bệnh sởi.
  • Vắc xin Varilrix (Bỉ) phòng bệnh thủy đậu.
  • Vắc xin Imojev (Thái Lan) phòng Viêm não Nhật Bản.

7. Tiêm phòng cho trẻ 12 tháng tuổi:

  • Vắc xin 3 trong 1 MMR-II (Mỹ) phòng bệnh sởi, quai bị, rubella.
  • Vắc xin Varivax/Varicella phòng bệnh thủy đậu (Nếu chưa tiêm Varilrix)
  • Vắc xin Jevax (Việt Nam) phòng bệnh viêm não Nhật Bản B: Tiêm 2 mũi, cách nhau 1 – 2 tuần.
  • Vắc xin Avaxim 80U/0.5ml phòng bệnh viêm gan A. Liều nhắc lại sau 6-18 tháng.
  • Vắc xin Synflorix (Bỉ)/Prevenar 13 (Bỉ) phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 4).

8. Tiêm phòng vắc xin cho trẻ 15 – 24 tháng tuổi:

  • Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 mũi 4 (nếu chích 5 trong 1 thì chích thêm mũi viêm gan B)
  • Vắc xin Avaxim 80U/0.5ml phòng bênh viêm gan A (mũi nhắc)
  • Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp) phòng bệnh cúm (mũi 3 – sau mũi thứ hai 1 năm)

9. Tiêm phòng cho trẻ đủ 24 tháng tuổi:

  • Vắc xin Menactra (Mỹ) phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu A,C,Y,W-135.
  • Vắc xin Jevax phòng bệnh viêm não Nhật Bản B (mũi 3).
  • Vắc xin Typhim VI/Typhoid VI phòng bệnh thương hàn.
  • Vắc xin Tả mORCVAX (Việt Nam) gồm 2 liều uống (dành cho trẻ sống ở vùng nguy cơ cao, liều hai sau liều một 2 tuần).

10. Từ 3 tuổi trở lên:

  • Vắc xin 3 trong 1 MMR-II phòng bệnh sởi, quai bị, rubella (mũi nhắc).Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp)/ Influvac Tetra (Hà Lan) phòng bệnh cúm (Tiêm nhắc lại hàng năm).
  • Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp)/ Influvac Tetra (Hà Lan) phòng bệnh cúm (Tiêm nhắc lại hàng năm).
  • Vắc xin Menactra (Mỹ) phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu A,C,Y,W-135 (mũi nhắc cho trẻ từ 15 tuổi đến người lớn 55 tuổi).
  • Vắc xin Jevax (Việt Nam) phòng bệnh viêm não Nhật Bản B (mũi nhắc, lúc 5 tuổi). Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần đến khi 15 tuổi.
  • Vắc xin Tetraxim (phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt) hoặc vắc xin Adacel (Canada)/Boostrix (Bỉ) (phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván) khi trẻ từ 4 tuổi trở lên, và nhắc lại mỗi 10 năm.

Lưu ý khi cho trẻ đi tiêm phòng

kham sang loc cho tre truoc khi tiem chung

Trẻ được khám sàng lọc kỹ lưỡng trước khi tiêm phòng

Tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ không chỉ giúp trẻ tăng sức đề kháng, phòng được các bệnh nguy hiểm mà còn là cách để bố mẹ bảo vệ sức khỏe và sự phát triển toàn diện cho con. Tuy nhiên, khi đưa con đi tiêm phòng, bố mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Bất cứ trẻ nào khi đi tiêm chủng cũng cần được khám sàng lọc trước tiêm. Cha mẹ nên thông báo cho bác sĩ biết tình trạng sức khỏe trước đây của trẻ (có bị bệnh gì không, có bị dị ứng không, có đang phải uống thuốc kháng sinh không…) để bác sĩ cân nhắc chỉ định phác đồ phù hợp.
  • Cha mẹ cần giữ sổ và phiếu tiêm chủng để theo dõi lịch tiêm của con mình. Nếu trẻ được tiêm tại VNVC sẽ được lưu lại toàn bộ lịch sử tiêm chủng, rất dễ dàng tra cứu và còn được nhắc lịch tiêm.
  • Cha mẹ nên tuân thủ nguyên tắc trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm.
  • Nếu thấy các phản ứng sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc… kéo dài trên 1 ngày, cha mẹ nên cho bé quay trở lại trung tâm để được thăm khám.
  • Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như: sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái… các bà mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế.
  • Khi trẻ sốt cao, cha mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế.
    Không bôi, đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm của bé. Vết tiêm có thể bị sưng đỏ, đau – đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi.
  • Cha mẹ nên chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng, cho trẻ tắm rửa, ăn uống như thường lệ, và theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe của bé. Những lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng sẽ giúp bố mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất, cho quá trình tiêm diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và phần nào an tâm hơn về những phản ứng sau tiêm.

Trường hợp nào không được tiêm phòng cho trẻ?

Rất nhiều bố mẹ thắc mắc những trường hợp nào thì không được tiêm phòng cho trẻ? Trước khi tiến hành tiêm chủng, bố mẹ luôn được hướng dẫn đưa trẻ đi khám sàng lọc để phát hiện những bất thường, từ đó bác sĩ có thể đưa ra những chỉ định phù hợp. Dưới đây là những trường hợp trẻ không được tiêm phòng:

  • Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng, dị ứng nặng sau khi tiêm liều vắc xin trước đó, kể cả vắc xin có chứa thành phần: Sốt cao trên 39 độ, sốt co giật hoặc dấu hiệu viêm não, viêm màng não, tím tái, khó thở.
  • Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy gan, suy thận…
    Không tiêm vắc xin sống với trẻ bị suy giảm miễn dịch như bệnh suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh, suy giảm miễn dịch nặng.
  • Không tiêm vắc xin phòng bệnh lao cho trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV mà không được điều trị dự phòng lây truyền.
  • Các trường hợp chống chỉ định khác theo chỉ dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin cụ thể.

Để phát hiện những trường hợp trẻ không được tiêm phòng, các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá tình trạng sức khỏe của bé thông qua đo thân nhiệt, đánh giá tri giác, quan sát nhịp thở, nghe tim để phát hiện các bất thường.

Chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm phòng

An toàn tiêm chủng là vấn đề được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Đó không chỉ là việc đảm bảo nguồn gốc, chất lượng vắc xin, mà còn phụ thuộc vào quá trình chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng của bố mẹ. Để đảm bảo con khỏe mạnh sau khi tiêm chủng, bố mẹ nên lưu ý một số điểm dưới đây:

Theo dõi sau tiêm phòng:

  • Bố mẹ cần theo dõi con tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Nếu phát hiện những bất thường như nôn, thở nhanh, thở ngắt quãng, khò khè, da mẩn đỏ,… cần báo ngay cho nhân viên y tế.
  • Sau 24 – 48h, trẻ cần tiếp tục được theo dõi về thân nhiệt, nhịp thở, sinh hoạt hằng ngày bao gồm ăn, ngủ, chơi đùa…
  • Quan sát vùng tiêm và da toàn thân của trẻ xem có sưng, phát ban hay nổi mẩn đỏ.

Chăm sóc sau tiêm phòng:

  • Nên cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, uống nước nhiều, nếu trẻ còn bú mẹ  nên cho trẻ bú nhiều.
  • Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ, có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol, ibuprofen với liều phù hợp.
  • Trường hợp tại vết tiêm sưng, đỏ, bố mẹ có thể chườm lạnh để trẻ giảm sưng, giảm đau.
  • Bố mẹ không nên tiếp xúc trực tiếp vào vết tiêm của trẻ, không thoa hoặc bôi bất cứ thứ gì lên vết tiêm.
  • Không tự ý dùng Aspirin và các liều thuốc ho, thuốc hạ sốt khác vì những loại thuốc này có thể tăng liều paracetamol.

Tham khảo thêm các sản phẩm Vitamin, canxi bổ sung dinh dưỡng cho trẻ tại đây.