Tiêu chảy cấp ở trẻ em: Bệnh lý không thể xem nhẹ
Tiêu chảy cấp là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này, bố mẹ cần quan sát thế nào trước những dấu hiệu rất điển hình của bệnh?
Tiêu chảy cấp ở trẻ là tình trạng thế nào?
Nếu trong một ngày, trẻ đi ngoài nhiều lần hơn bình thường, kết cấu phân lỏng, thậm chí là toàn nước hoặc trong phân có lẫn đàm, máu thì rất có thể trẻ bị tiêu chảy cấp.
Để phân cấp tình trạng tiêu chảy, có thể dựa vào số ngày trẻ bị tiêu chảy:
• Tiêu chảy cấp kéo dài trong một vài ngày đến 01 tuần;
• Tiêu chảy bán cấp kéo dài từ 01 tuần đến 03 tuần;
• Tiêu chảy mạn tính kéo dài trên 03 tuần.
Tiêu chảy cấp khi kéo dài trong một vài ngày đã gây nên hàng loạt những vấn đề về sức khỏe cho trẻ, gồm: mệt mỏi, uể oải, li bì… Bên cạnh đó là tình trạng mất nước suy giảm nghiêm trọng. Khi tiêu chảy kéo dài hơn, gọi là tiêu chảy mạn thì lúc này cần hết sức chú ý đến vấn đề rối loạn hấp thu dẫn đến suy dinh dưỡng, suy kiệt thể trạng ở trẻ.
Những dấu hiệu cho thấy, tiêu chảy cấp ở trẻ
Tùy từng độ tuổi của trẻ, các dấu hiệu của tiêu chảy cấp cũng có những mức độ khác nhau.
- Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi
Thường thể hiện ở việc trong một ngày, trẻ đi ngoài gấp đôi bình thường, khoảng từ 3 – 10 lần, thậm chí là hơn. Nhìn bằng mắt thường, có thể thấy phân sệt hoặc lỏng, có nhiều màu xanh, vàng hoặc nâu.
- Đối với trẻ trên 1 tuổi
Thường có biểu hiện đau bụng, sốt và trong một ngày, có thể đi ngoài 3 lần hoặc hơn với phân nhiều nước, lỏng, có mùi tanh. Điều này sẽ khiến trẻ trở nên mệt mỏi, quấy khóc, nôn nhiều.
Triệu chứng điển hình của tiêu chảy cấp ở trẻ em
Tiêu chảy cấp ở trẻ em ngoài những dấu hiệu đặc trưng như phân lỏng, đi ngoài nhiều trong ngày, có thể đi kèm với một số triệu chứng như sau:
– Sốt, buồn ói hay ói.
– Đau bụng, chướng bụng, đau trực tràng.
– Kém ăn, sụt cân.
Trẻ bị tiêu chảy có nguy cơ bị mất nước, có thể bao gồm:
– Giảm lượng nước tiểu trong ngày.
– Môi và miệng khô, ít nước mắt khi khóc.
Khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em, bố mẹ cần đưa ngay đến bác sĩ để được điều trị kịp thời. Với những bé nặng thì cần nằm theo dõi tại bệnh viện, nếu tình trạng nhẹ thì có thể theo dõi và điều trị tại nhà, theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Cách chăm sóc tiêu chảy cấp ở trẻ em tại nhà
Cách chăm sóc trẻ tiêu chảy cấp tại nhà quan trọng nhất là bù nước cho trẻ đúng cách. Cách bù nước và điện giải, bố mẹ nhớ đọc kỹ hướng dẫn để pha với nước uống theo sự chỉ định của bác sĩ, dựa trên độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ.
– Trẻ dưới 2 tuổi: Uống từ 50 – 100ml/ lần sau mỗi lần tiêu chảy
– Trẻ từ 2 – 10 tuổi: Uống 100 – 200 ml/ lần sau mỗi lần tiêu chảy
– Trẻ trên 10 tuổi: Uống theo nhu cầu và thể trạng sức khỏe của trẻ
Bố mẹ lưu ý hòa tan hết toàn bộ lượng thuốc trong một gói điện giải với nước sôi để nguội theo hướng dẫn ghi trên gói thuốc. Tuyệt đối không chia nhỏ lượng thuốc trong gói để pha với thể tích nước ít hơn vì sợ trẻ uống không hết thuốc. Điều này sẽ khiến tình trạng bệnh của trẻ kéo dài hơn.
Cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường: Bố mẹ có thể bổ sung lượng nước theo thể trạng sức khỏe và độ tuổi cho trẻ bằng nhiều cách khác nhau, gồm nước lọc, nước trái cây, súp, cháo…
Bố mẹ tuyệt đối không tự ý mua những loại thuốc kháng sinh điều trị tiêu chảy cấp ngoài hiệu thuốc để cho trẻ uống mà chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Cách cho trẻ ăn: Tiếp tục cho trẻ ăn uống bình thường, không cần kiêng cữ gì. Bố mẹ nên ưu tiên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để giúp trẻ cảm thấy dễ tiêu hóa hơn. Khuyến khích trẻ ăn từ 5-6 lần/ngày và tiếp tục duy trì cho trẻ ăn như vậy cho đến khi tình trạng thuyên giảm.
Khi nào trẻ cần được đưa tới bệnh viện?
Tiêu chảy cấp là bệnh lý tưởng đơn giản nhưng rất nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất. Do đó, khi bố mẹ thấy trẻ có một trong những dấu hiệu dưới đây nên chủ động nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là gây khó khăn cho việc điều trị tiêu chảy cấp:
Một số biểu hiện cần lưu ý như sau:
• Đi ngoài nhiều hơn 8 lần trong vòng 6 giờ
• Trẻ nôn ói nhiều, đau cứng bụng
• Trẻ mệt mỏi, ngủ li bì, yếu sức
• Trong phân có lẫn máu
• Môi khô và thường xuyên cảm thấy khát
Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ có thể phòng ngừa được bằng nhiều biện pháp như tiêm phòng virus rota, cho trẻ ăn chín uống sôi, đảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm vệ sinh cá nhân và môi trường cũng như bảo vệ nguồn nước…