Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh có phải bệnh lý nguy hiểm?
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là một hiện tượng sinh lý khá phổ biến. Tuy nhiên có nhiều trường hợp là bệnh lý có dấu hiệu chuyển biến nặng, ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh được hiểu thế nào?
Trào ngược dạ dày xảy ra ở hơn 50% trẻ sơ sinh, chủ yếu là trào ngược sinh lý, xảy ra trong thời gian ngắn khi hệ tiêu hoá của trẻ chưa hoàn thiện.
Song chiếm khoảng 1% trẻ bị trào ngược dạ dày có thể gặp biến chứng nặng như: chậm tăng cân, nghẹt thở…
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh được chia làm hai nhóm: sinh lý và bệnh lý. Dựa trên hai nhóm này sẽ có những phương pháp chăm sóc và điều trị đúng cách, hợp lý.
Khi nào là trào ngược dạ dày sinh lý và bệnh lý?
Trào ngược sinh lý chiếm tỉ lệ phổ biến, là một tình trạng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, tần suất ít, đa số xảy ra sau khi trẻ bú và không có bất cứ dấu hiệu bất thường đi kèm, gồm: Trẻ vẫn ăn uống bình thường, ngủ ngoan, không quấy khóc. Tình trạng này bố mẹ không cần quá lo lắng vì nó sẽ giảm dần khi hệ tiêu hoá của trẻ ổn định, thường sau khi trẻ được 7 tháng tuổi trở lên.
Ngược lại đối với hiện tượng trào ngược dạ dày bệnh lý sẽ khiến trẻ bị nôn trớ nhiều, trong thời gian dài, nặng hơn có thể khiến trẻ lên cơn hen phế quản, viêm phổi tái phát, bé quấy khóc, chán ăn, chậm tăng cân. Nguyên nhân của tình trạng bệnh lý khởi phát từ việc trẻ mắc một số dị tật bẩm sinh, gồm: thoát vị cơ hoành, sa dạ dày…
Vậy khi nào nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ?
Mặc dù trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh được đánh giá là không phải bệnh lý quá nguy hiểm. Tuy nhiên để hạn chế tối đa sự bất thường và biến chứng không mong muốn, bố mẹ nên chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ để kịp thời thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt:
• Trẻ chậm tăng trưởng, hoặc không tăng trưởng, kèm dấu hiệu sụt cân.
• Trẻ nôn trớ với tần suất nhiều, khó chịu ở vùng bụng do xuất hiện các cơn co thắt cơ bụng kéo dài.
• Trẻ bỏ bú, quấy khóc.
• Trẻ đi ngoài phân có máu.
• Trẻ khó thở, da tím tái, ho lâu dai dẳng.
• Trẻ thường xuyên ợ nóng, ợ chua.
• Trẻ bị hôi, chua miệng.
• Trẻ có dấu hiệu mất nước.
Biện pháp cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh
Ngoài việc theo dõi và chăm sóc tại nhà, nếu có sự bất thường bố mẹ nên đưa bé đến viện để được thăm khám và bác sĩ có phác đồ điều trị hợp lý dựa trên thể trạng sức khoẻ của trẻ.
Đối với trào ngược dạ dày do sinh lý, tình trạng này có thể được cải thiện khi trẻ bước sang giai đoạn tuổi lớn hơn. Một số biện pháp giúp hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ gồm:
• Sau khi trẻ bú xong, mẹ nên giữ nguyên tư thế (bế trẻ ở tư thế đứng) khoảng 30 phút rồi mới cho bé nằm. Đồng thời, khom lòng bàn tay để vỗ nhẹ phần lưng trẻ để kích thích trẻ ợ hơi (vỗ ợ) để hỗ trợ trẻ tiêu hóa hiệu quả hơn.
• Nếu bố mẹ cho trẻ bú bình, hãy lựa chọn loại núm vú bình sữa có kích thước vừa với khuôn miệng bởi nếu chọn loại lớn hoặc nhỏ quá, đều có thể khiến trẻ dễ bị sặc sữa.
• Không cho trẻ bú quá no trong một lần bú, chia thành từng cữ bú nhỏ và trải đều trong ngày. Tuỳ theo tháng tuổi của trẻ, với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cữ sữa trung bình tầm 3 tiếng/ cữ.
• Massage nhẹ nhàng vùng bụng, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên động tác này không nên thực hiện ngay sau khi trẻ mới ăn xong.
Biện pháp phòng ngừa trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh
Mặc dù trào ngược dạ dày diễn ra khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, song hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng nhiều biện pháp như:
Chọn tư thế nằm bú thích hợp: Có hai tư thế bú cơ bản, gồm tư thế bú đứng và tư thế bú ngồi. Việc lựa chọn tư thế nào tùy thuộc vào thể trạng của người mẹ, sức khỏe của trẻ cũng như các điều kiện ngoại cảnh khác.
Khi cho trẻ bú bình, bố mẹ nên cho trẻ bú ở tư thế tương tự như bú mẹ, không nên cho trẻ nằm để bú bình. Ngoài ra, khi cho trẻ bú bình, không nên lắc bình sữa trong lúc trẻ đang bú, đảm bảo bình sữa có độ nghiêng phù hợp.
Giúp trẻ ợ hơi: Được xem là một trong những biện pháp hiệu quả giúp cho trẻ giảm trào ngược dạ dày đáng kể. Việc được ợ hơi giúp giảm áp lực cho dạ dày của trẻ, giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn được thực hiện dễ dàng hơn và bụng trẻ cũng cảm thấy dễ chịu.
Khi cho trẻ ăn, bố mẹ nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi để không gây áp lực lên vùng bụng của trẻ, giảm trào ngược dạ dày thực quản.
Về khẩu phần ăn của trẻ: Bố mẹ cần theo dõi sát sao chế độ ăn uống của trẻ. Phải đảm bảo rằng trẻ không bị dị ứng với các thành phần trong sữa cũng như thức ăn. Không nên cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm khó tiêu, thức ăn cay nóng và nên cho trẻ uống đủ nước.