Trẻ sơ sinh ngủ giấc dài có nên đánh thức cho bú?
Nhiều trẻ sơ sinh ngủ giấc dài, cha mẹ sợ các bé sẽ bị đói nên gọi dậy để cho bé bú. Việc này có thực sự cần thiết hay không, hãy cùng Wikimom tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Trẻ sơ sinh ngủ giấc dài có nên đánh thức cho bú?
Đánh thức con bạn sau mỗi 3-4 giờ để ăn cho đến khi trẻ tăng cân tốt
Trẻ sơ sinh chưa có cảm giác về ngày và đêm. Chúng ngủ suốt ngày đêm và vì dạ dày nhỏ bé của chúng không chứa đủ sữa mẹ hoặc sữa công thức để khiến chúng no lâu nên chúng thường thức dậy để ăn – bất kể thời gian nào trong ngày hay đêm.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ sơ sinh nên ngủ từ 14-17 giờ trong ngày. Một số trẻ sơ sinh cũng có thể ngủ nhiều hơn tới 18-19 giờ mỗi ngày.
Trẻ sơ sinh thức dậy vài giờ một lần để ăn. Trẻ bú sữa mẹ bú thường xuyên, khoảng 2-3 giờ một lần. Trẻ bú bình với sữa công thức có xu hướng bú ít thường xuyên hơn, khoảng 3-4 giờ một lần.
Trẻ sơ sinh ngủ lâu hơn nên được đánh thức để bú. Đánh thức con bạn sau mỗi 3-4 giờ để ăn cho đến khi trẻ tăng cân tốt, điều này thường xảy ra trong vài tuần đầu tiên. Sau đó, bạn có thể cho bé ngủ lâu hơn vào ban đêm. Khi bé phát triển và tăng cân tốt, mẹ có thể để bé ngủ giấc dài và không cần đánh thức bé dậy để cho bú.
Những tháng đầu đời của trẻ có thể là giai đoạn khó khăn nhất đối với cha mẹ, chúng ta phải thức dậy nhiều lần vào ban đêm để chăm sóc trẻ. Mỗi bé có một kiểu ngủ khác nhau. Một số bắt đầu ngủ giấc dài suốt đêm khi chúng được 2-3 tháng tuổi, nhưng một số thì không.
Những lưu ý khi đánh thức trẻ dậy cho bú
Mẹ hãy âu yếm và hát ru nhẹ nhàng cho đến khi bé đã ổn định và đi vào giấc ngủ tiếp theo
Khi trẻ sơ sinh đang ngủ, các cha mẹ hãy chú ý gọi bé dậy đúng cách để bé không bị giật mình, quấy khóc. Hãy nhẹ nhàng bế bé và lay bé dậy. Khi thấy có sự thay đổi, bé sẽ tự mở mắt. Cha mẹ cũng thể thay đổi tư thế, ôm bé dậy và đưa ti vào gần miệng bé vì một số bé có thể tự ti mà không cần phải thức dậy.
Sau khi trẻ bú xong, hãy chú ý đến các điều này để bé có thể tiếp tục ngủ ngon giấc và không quấy khóc.
- Luôn đặt bé nằm ngửa khi ngủ, không nằm sấp hoặc nằm nghiêng.
- Không nên cho trẻ bú quá no vì có thể khiến bé khó chịu, dễ gây nôn trớ.
- Sử dụng bề mặt ngủ phẳng, chắc chắn.
- Không đặt bất cứ thứ gì khác vào cũi hoặc nôi.
- Để tránh quá nóng, hãy mặc quần áo cho bé theo nhiệt độ phòng và đừng quấn quá nhiều. Đừng che đầu bé khi bé đang ngủ. Để ý các dấu hiệu quá nóng, chẳng hạn như đổ mồ hôi hoặc cảm thấy nóng khi chạm vào.
- Có thể mất vài tuần để não bé phân biệt được sự khác biệt giữa ngày và đêm. Để bé ngủ tiếp, hãy giữ mọi thứ yên tĩnh và bình tĩnh trong quá trình cho con bú và thay tã vào lúc nửa đêm. Cố gắng để đèn ở mức thấp để ánh sáng không ảnh hưởng đến bé
- Đừng cố gắng bắt bé thức suốt ngày với hy vọng bé sẽ ngủ ngon hơn vào ban đêm.
- Nếu trẻ sơ sinh quấy khóc, mẹ hãy âu yếm và hát ru nhẹ nhàng cho đến khi bé đã ổn định và đi vào giấc ngủ tiếp theo.
Có nên cho giấc ngủ của trẻ sơ sinh vào khuôn khổ?
Việc trẻ sơ sinh có giấc ngủ không đều là điều bình thường. Một phần xuất phát từ nhu cầu ăn thường xuyên và ngủ nhiều. Hầu hết các chuyên gia khuyên cha mẹ nên làm theo các tín hiệu của bé trong những tuần đầu tiên của cuộc đời, bao gồm cả việc cho bé ăn theo nhu cầu .
Tuy nhiên, cha mẹ có thể bắt đầu tuân theo một số lịch trình trong tháng đầu tiên này bằng cách thiết lập một số thói quen nhất quán, như ăn, ” chơi ” và sau đó ngủ. Khi em bé của bạn bắt đầu sắp xếp nhịp điệu giấc ngủ, việc thiết lập những thói quen này và hình thành thói quen ngủ tốt có thể giúp chúng dễ dàng ổn định lịch trình khi chúng lớn lên.
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có tốt không?
Nếu bé ngủ nhiều và vẫn tăng cân, phát triển bình thường, mẹ có thể không cần đánh thức bé dậy để cho bú
Đây cũng là một trong những băn khoăn mà nhiều cha mẹ gặp phải. Như đã nêu, nếu bé ngủ nhiều và vẫn tăng cân, phát triển bình thường, mẹ có thể không cần đánh thức bé dậy để cho bú. Trẻ ngủ nhiều sẽ khiến tâm trạng chúng thoải mái hơn, đỡ quấy khóc hơn. Thực tế có một số trẻ sẽ quấy khóc, cáu kỉnh nếu như chúng không được ngủ đủ giấc. Giấc ngủ còn quan trọng trong việc kích thích sự phát triển trí não của trẻ. Vì vậy, cha mẹ đừng quá lo lắng nếu như bé ngủ nhiều.
Tuy nhiên, hãy chú ý đến một số trường hợp trẻ ngủ nhiều, li bì có thể đang báo hiệu cơ thể của trẻ có vấn đề như:
- Trẻ bị các bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp trên. Khi đó trẻ ngủ nhiều kèm theo các biểu hiện ho, sốt, chảy nước mũi, ngạt mũi… Hãy đưa trẻ đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.
- Trẻ bị các vấn đề về đường tiêu hoá như tiêu chảy: Hãy chú ý khi con bạn bỏ bú, biếng ăn và có xu hướng ngủ nhiều hơn vì mệt mỏi.
- Ngoài ra các trường hợp bé sinh non, bé bị vàng da cũng có xu hướng ngủ nhiều hơn.