Viêm VA ở trẻ em có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhận biết thế nào?
Viêm VA là bệnh hay gặp về đường tai mũi họng ở trẻ em, đặc biệt là đối tượng dưới 6 tuổi. Bệnh thường không nguy hiểm nhưng nếu không được kịp thời điều trị, viêm VA ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng lên các bộ phận khác, gây ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ lâu dài.
1. Viêm VA là gì?
VA là một tổ chức gồm nhiều tế bào bạch cầu lympho nằm ở trong vòm họng. Thông thường khi chúng ta hít thở, không khí sẽ đi từ mũi, qua VA vào cơ thể rồi mới vào phổi. Độ dày bình thường của VA là khoảng 4-5mm, không gây cản trở đường thở. Tuy nhiên, khi VA viêm và sưng thành khối to thì sẽ cản trở quá trình hít thở không khí. VA phát triển đến năm trẻ 6 tuổi thì hết, tuy nhiên vẫn có trường hợp người lớn vẫn phát triển.
2. Biểu hiện của viêm VA ở trẻ em
Trẻ bị viêm VA thường có các dấu hiệu sau:
- Sốt cao 39 – 40 độ, thi thoảng xuất hiện co giật.
- Nghẹt mũi: Do VA lớn che kín cửa mũi sau khiến người bệnh không thở được bằng mũi.
- Ngủ ngáy: Thường há mồm thở khi ngủ, ngủ ngáy, hẹp đường thở.
- Chảy mũi: Ban đầu chảy mũi trong, tiếp đến chảy mũi có màu trắng, vàng, mùi tanh, và chảy nước mũi thường xuyên.
- Tiêu chảy/Chán ăn: Khi viêm VA trẻ hay nuốt nhiều đờm, dịch, mủ từ VA chảy xuống bụng nên thường kèm theo triệu chứng khó tiêu, hay bị rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, đầy hơi, và chán ăn.
- Trẻ quấy khóc, ngủ không sâu, giấc ngủ chập chờn: Vào ban đêm, trẻ thường bị khó thở, nghẹt mũi, nên ngủ chập chờn, và hay giật mình, quấy khóc.
- Biến chứng bộ mặt VA: Trẻ bị viêm VA kéo dài sẽ làm cho trán dô, răng hô hoặc răng mọc không đều.
3. Biến chứng thường gặp của viêm VA ở trẻ em là gì
Khi trẻ bị viêm VA kéo dài, làm tăng thể tích của VA, gây hẹp cửa mũi sau khiến cho lượng không khí ra vào phổi suy giảm, làm cho não bị thiếu oxy. Khi lượng dịch tiết ra ở mũi đọng lại càng nhiều, và chảy ra phía trước sẽ khiến trẻ bị nghẹt mũi, ngủ không ngon giấc, dẫn đến lờ đờ, mệt mỏi, học hành tiếp thu khó.
Mặt khác, biến chứng viêm VA của trẻ còn gây bít tắc lỗ thông khí ở tai giữa, gây ra tình trạng viêm tai giữa cấp, hay viêm tai giữa mủ, hoặc thủng màng nhĩ…. Nếu không điều trị, về lâu dài, sẽ dẫn đến suy giảm khả năng nghe.
Ngoài ra, viêm VA ở trẻ còn có thể dẫn đến các biến chứng khác như: viêm xoang, viêm mũi, viêm tai giữa cấp, viêm khí quản, viêm thanh quản và viêm phế quản. Nếu tình trạng kéo dài, trẻ phải thở nhiều bằng miệng, mũi sử dụng ít nên về lâu dài chóp mũi sẽ trở nên nhỏ hơn, xương hàm trên kém phát triển, cằm nhô ra về phía trước và to hơn, răng hàm trên mọc lởm chởm. Đây là các dấu hiệu đặc trưng về vẻ mặt của trẻ bị viêm VA hay còn gọi là bộ mặt VA.
4. Điều trị viêm VA ở trẻ em bằng cách nào
Khi trẻ bị viêm VA, cha mẹ không nên chủ quan, bởi trẻ sẽ gặp nhiều biến chứng do đường mũi bị cản trở lưu thông không khí, khiến não bộ luôn thiếu oxy dẫn đến tình trạng trẻ có thể bị kém phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ.
Khi điều trị viêm VA cho trẻ, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị.
Khi trẻ sốt cao thì cha mẹ nên dùng khăn sạch và nước ấm để lau cho trẻ. Nên lau ở các vị trí như nách, bẹn, cổ và chườm khăn ấm lên trán cho trẻ. Tuyệt đối không nên dùng nước lạnh hoặc nước đá để chườm cho trẻ bởi sẽ gây cản trở sự thoát nhiệt của trẻ.
Khi trẻ sốt cao trên 38 độ, cha mẹ có thể sử dụng thuốc paracetamol hoặc thuốc đặt hậu môn (viên đạn) để hạ nhiệt cho trẻ với liều lượng tùy thuộc vào độ tuổi, cân nặng của trẻ.
Hiện nay, để điều trị viêm VA cho trẻ, có 2 phương pháp đang được áp dụng là phương pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa.
- Điều trị nội khoa: Khi trẻ đi ra ngoài về hoặc sau khi ăn xong cha mẹ nên giữ gìn vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng việc nhỏ mũi và súc miệng bằng nước muối loãng, sau đó có thể kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ.
- Điều trị ngoại khoa: Nạo VA
5. Chăm sóc trẻ bị viêm VA thế nào?
Khi cảm thấy trẻ xuất hiện những dấu hiệu bị viêm VA, cách tốt nhất là cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng thăm khám trực tiếp và điều trị.
Thông thường có thể dùng thuốc để điều trị khi trẻ bị viêm VA cấp. Còn trường hợp trẻ bị Viêm VA mạn tính thì cần được điều trị nạo VA. Tuy nhiên cho dù lựa chọn điều trị bằng phương pháp nào thì cũng cần có sự chỉ định của bác sĩ, chính vì thế người bệnh cần phải đi khám xét để được chuyên gia tư vấn và điều trị.
Ngoài việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, cha mẹ cần lưu ý tới chế độ ăn uống của trẻ giúp bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, tăng cường thêm sức khỏe cho trẻ:
- Cho trẻ ăn nhiều loại trái cây, rau xanh, tăng cường tiêu thụ các loại vitamin như: vitamin C, A, E có tác dụng làm giảm bớt tình trạng viêm, khó thở của trẻ.
- Cho trẻ ăn các thực phẩm nhiều dinh dưỡng, dễ tiêu như gạo, ngũ cốc, bột mì hay các thực phẩm khác như: đậu phụ, trứng gà, sữa đậu nành
- Trẻ bị viêm VA nên tiêu thụ nhiều các sản phẩm từ sữa bởi các sản phẩm này rất giàu nguồn dinh dưỡng quan trọng thiết yếu cho cơ thể như vitamin D, canxi, protein
- Đồng thời cha mẹ nên cho trẻ uống bổ sung nhiều loại nước sẽ giúp giảm tình trạng viêm, khô họng ở trẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần lưu ý tới chế độ ăn uống, dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ bị viêm VA để cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ.
Cuối cùng, cha mẹ nên cho trẻ thăm khám bệnh định kỳ và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để có thể điều chỉnh chế độ chăm sóc kết hợp dinh dưỡng hợp lý, tránh tình trạng tái phát viêm VA gây ra các biến chứng không mong muốn.