1. Tại sao lại rụng tóc vành khăn?
Rụng tóc vành khăn hay gặp ở bệnh nhân còi xương do thiếu vitamin D. Bởi, vitamin D chịu trách nhiệm trong việc phát triển lông, tóc và móng.
Nếu trẻ bị thiếu vitamin D, chân tóc sẽ bị yếu và dễ rụng. Vì vậy, khi trẻ nằm, phần đầu cọ xát xuống chiếu, gối sẽ bị rụng, đó gọi là rụng tóc vành khăn.
Hiện nay, tỉ lệ trẻ bị rụng tóc vành khăn khá nhiều, cứ 10 trẻ thì có khoảng 3-4 trẻ bị tình trạng này.
2. Nguyên nhân khác dẫn đến rụng tóc vành khăn ở trẻ
2.1. Tóc mỏng và nằm nhiều
Phần lớn thời gian của bé là nằm ngửa, vùng phía sau đầu tiếp xúc trực tiếp với mặt gối trong thời gian dài khiến cho tóc khó mọc hơn. Đối với trẻ có sợi tóc mảnh mai, dễ rụng thì hay xuất hiện tình trạng này hơn các trẻ có tóc cứng và chắc khỏe.
2.2. Tác dụng phụ của thuốc
Đây là một nguyên nhân khác gây rụng tóc khi trẻ mới bị ốm và phải sử dụng một số loại thuốc.
2.3. Nấm da đầu gây rụng tóc vành khăn
Nếu trẻ có những mảng da đầu trống không mọc tóc thì có thể bị mắc một vài dạng nấm. Phụ huynh không nên bỏ qua tình trạng này vì nấm da đầu sẽ kéo dài và lây lan sang các vùng khác trên cơ thể.
3. Biểu hiện của trẻ khi bị rụng tóc vành khăn
Nếu trẻ có tình trạng này, tóc thường mất cả chân tóc và rụng từng đám. Ngoài ra, kèm theo biểu hiện như khó ngủ, quấy khóc vào ban đêm, ra nhiều mồ hôi trộm khi ngủ.
Thông thường, trẻ 3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi. Nhưng trẻ có biểu hiện còi xương và rụng tóc thường chậm lẫy, chậm bò, ngồi, đi và chậm mọc răng.
4. Nên bổ sung gì cho trẻ?
Để khắc phục tình trạng trên, các mẹ nên bổ sung muối khoáng như kẽm, sắt, vitamin C, canxi kịp thời để bé phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, bổ sung vitamin D cho trẻ bằng cách:
4.1. Bổ sung qua thực phẩm
Trẻ cần được bổ sung qua bữa ăn hàng ngày bằng các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như: tôm, cua, lòng đỏ trứng gà, các loại đậu… Một khẩu phần ăn nếu muốn vitamin và khoáng chất hấp thụ tốt hơn thì nên thêm một chút dầu mỡ.
4.2. Tắm nắng
Một cách khác để tổng hợp vitamin D hiệu quả cho trẻ đó là tắm nắng. Quá trình tắm nắng vào sáng sớm sẽ giúp các tiền Vitamin D biến thành Vitamin D có lợi cho cơ thể trẻ, không những giúp ngăn ngừa rụng tóc mà còn cho trẻ phát triển khỏe mạnh hơn. Thời gian tắm nắng tốt nhất là 7 – 8 giờ sáng và chỉ tắm từ 5 – 7 phút hàng ngày.
Vào mùa hè thì nên tắm sớm hơn từ 6 – 7 giờ. Tuyệt đối không cho trẻ tắm sau 9 giờ, khi mặt trời đã lên cao và nắng chói chang vì khi đó trong ánh nắng có chứa tia cực tím có hại cho da và mắt của trẻ. Cha mẹ cũng lưu ý không được tắm nắng cho trẻ ở phía sau cửa kính bởi ánh ánh mặt trời khi rọi vào cửa kính có thể sẽ phản xạ vào chúng ta với cường độ mạnh, rất nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ em bởi làn da chúng còn quá nhạy cảm. Nếu không tắm nắng được, mẹ có thể cho trẻ uống vitamin D mỗi ngày.
Nhìn chung, rụng tóc hình vành khăn ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và là một hiện tượng sinh lý bình thường. Để biết chắc chắn trẻ bị rụng tóc vành khăn có phải mắc bệnh còi xương hay không, phụ huynh cần phải đưa bé đi khám dinh dưỡng, từ đó phối hợp với bác sĩ để tìm ra hướng chữa trị thích hợp và hiệu quả cho trẻ.