5 sai lầm tuyệt đối tránh khi chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà
Trẻ bị sốt nên làm gì? Sốt là phản ứng bình thường của cơ thể để chống lại các tác nhân xâm nhập vào cơ thể như vi khuẩn, vi rút. Tuy nhiên, khi trẻ nhỏ bị sốt, cha mẹ sẽ không khỏi lo lắng, băn khoăn không biết khi trẻ bị sốt nên làm gì? Và cách nào tốt nhất để chăm sóc hạ sốt và cho trẻ. Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Khi trẻ bị sốt nên làm gì? Thân nhiệt trẻ đo bao nhiêu độ là bị sốt?
Thông thường, thân nhiệt của một đứa trẻ thường không ổn định và luôn có sự thay đổi, dao động nhẹ trong ngày, cụ thể thấp vào buổi sáng, cao hơn vào chiều tối hoặc thân nhiệt của trẻ sẽ tăng khi trẻ đùa nghịch, chạy, nhảy…
Vậy thế nào là sốt ở trẻ nhỏ? Một đứa trẻ có dấu hiệu bị sốt là khi tình trạng nhiệt độ cơ thể bỗng cao hơn so với nhiệt độ của cơ thể bình thường, nếu trẻ bị sốt thì nhiệt độ khi đo ở hậu môn hoặc miệng > 38°C và khi đo ở nách > 37,5 °C.
Trên thực tế, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị sốt là tình trạng rất thường gặp, tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp sốt đều là nguy hiểm, hay bệnh nặng, bởi lẽ đôi khi đó là cách giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng.
Trong quá trình chăm sóc khi trẻ bị sốt, cần phải theo dõi liên tục nhiệt độ của trẻ, nếu thấy trẻ sốt cao trên 38,5 độ thì nên cho trẻ uống hạ sốt, và sau khi trẻ uống thuốc khoảng 30 phút, cần đo lại nhiệt độ cho trẻ. Đặc biệt, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng theo liều lượng cân nặng của trẻ, và theo đúng như chỉ dẫn của bác sĩ, hay chuyên gia y tế có chuyên môn.
Trong trường hợp nếu trẻ bị sốt cao, và có các dấu hiệu bất thường như: Trẻ bỏ ăn, không chơi, ngủ li bì, khó đánh thức, thở bất thường, thở nhanh, thở khó, co giật, tiêu chảy, hay đi ngoài phân có máu, hoặc sốt cao khó hạ, sốt kéo dài trên 2 ngày, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh ≤ 2 tháng tuổi thì cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện càng sớm càng tốt để được xử lý và điều trị kịp thời.
Khi trẻ bị sốt nên làm gì? Cách xử trí khi trẻ bị sốt?
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, để tỏa bớt thân nhiệt
- Để trẻ nằm nghỉ ở nơi thoáng mát, sạch sẽ
- Cho trẻ uống nhiều nước. Với trẻ sơ sinh khi bị sốt nên tăng cữ bú và lượng bú của trẻ. Với trẻ trên 1 tuổi, có thể cho trẻ uống bổ sung thêm nước trái cây, nhất là các loại nước trái cây chứa nhiều vitamin C như: nước cam, quýt, chanh…
- Sử dụng khăn ấm để lau người cho trẻ. Dùng 5 khăn mềm nhúng vào nước ấm vắt ráo và đặt vào các vị trí sau: trán, 2 nách, 2 bên bẹn của trẻ. Nước ấm bốc hơi sẽ giúp làm mát thân nhiệt của trẻ.
- Sử dụng các loại thuốc hạ sốt thường dùng cho trẻ như paracetamol dạng gói hoặc siro. Nên cho trẻ dùng thuốc với liều lượng tương xứng với cân nặng của trẻ. Liều paracetamol thông thường 10-15mg/kg/lần. Có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt khoảng 4-6 lần/ngày, mỗi lần uống cách nhau khoảng 4-6 tiếng.
Khi trẻ bị sốt nên làm gì? 5 sai lầm cần tuyệt đối tránh!
Trong quá trình chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà, cha mẹ cần lưu ý để tránh mắc phải các sai lầm sau:
- Hạ sốt cho trẻ bằng phương pháp chườm lạnh: Theo khuyến cáo của WHO, bố mẹ không nên hạ sốt cho trẻ bằng phương pháp chườm lạnh vì cách này sẽ khiến lỗ chân lông của trẻ bị co lại, thân nhiệt không thể thoát ra ngoài. Hơn thế, chườm lạnh có thể khiến trẻ bị bỏng lạnh và suy hô hấp.
- Ủ ấm cho trẻ khi sốt cao: Sốt cao sẽ gây ra tình trạng run, chân tay lạnh ngắt, khiến trẻ cảm thấy lạnh. Nếu lúc này, cha mẹ đắp chăn và ủ ấm cho trẻ sẽ vô tình có thể khiến trẻ bị sốt cao hơn, dẫn đến co giật, da tím tái bởi do hiện tượng co mạch ngoại vi và thân nhiệt bên trong của trẻ lúc này vẫn đang ở mức độ rất cao, có thể trên 40 độ C.
- Không thường xuyên đo và theo dõi nhiệt độ của trẻ: Nhiều cha mẹ chỉ kiểm tra nhiệt độ của trẻ xem đã hạ sốt chữa bằng cách dùng tay áp lên trán và bắt đầu thực hiện các cách hạ sốt thông thường hoặc cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay khi thấy bé ấm, nóng hơn bình thường. Tuy nhiên, việc làm này có thể gây nguy hiểm hơn cho trẻ với các tác dụng phụ của thuốc, bố mẹ sẽ không có biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời khi trẻ bị sốt cao.
- Kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt với nhau: Trẻ sốt cao sẽ khiến các cha mẹ đều lo lắng và mong muốn có thể hạ sốt một cách nhanh nhất cho trẻ, nhưng khi thân nhiệt của trẻ hạ xuống quá nhanh, trẻ có thể phải đối mặt với nhiều nguy hiểm.
- Sử dụng Aspirin hoặc các loại thuốc có thành phần chứa aspirin để giúp trẻ hạ sốt: Những loại thuốc này có thể gây tình trạng đau dạ dày, xuất huyết ruột và hội chứng Reye.
Khi trẻ bị sốt nên làm gì? Khi nào nên đưa trẻ đến cơ sở y tế?
Đa phần trẻ bị sốt là lành tính, các triệu chứng đi kèm thường ở mức độ nhẹ và có thể được điều trị hoàn toàn sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, nếu trẻ bị sốt, kèm theo các biểu hiện sau, trẻ cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi có biểu hiện sốt, nhất là khi sốt trên 38 độ C;
- Ngủ li bì, hôn mê;
- Khó thở, thở nhanh;
- Xuất hiện co giật;
- Nôn mửa nhiều;
- Mất nước nghiêm trọng;
- Cơn sốt không có dấu hiệu hạ xuống sau khi đã thực hiện các cách hạ sốt thông thường;
- Mắt trũng.