Sốt virus ở trẻ em có nguy hiểm?
Sốt virus ở trẻ em bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng nếu để lâu, không được điều trị kịp thời sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khoẻ của trẻ.
Tại sao sốt virus lại dễ xảy ra ở trẻ em?
Sốt virus ở trẻ em hay còn được gọi là sốt siêu vi, là hiện tượng trẻ bị sốt do sự tác động của các loại siêu virus khác nhau gây nên. Hiện có khoảng 200 loại virus khác nhau, tuy nhiên điển hình và phổ biến nhất là: Virus cúm, Adenovirus, Rhinovirus, Entero…
Trẻ em là đối tượng thường dễ bị nhiễm sốt virus nhất do đây là nhóm có sức đề kháng và hệ miễn dịch còn non yếu, chưa hoàn thiện. Khi thời tiết có sự thay đổi thất thường, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa, cơ thể của trẻ không thích nghi kịp. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho virus xâm nhập và tấn công vào cơ thể của trẻ. Ngoài ra, việc tiếp xúc với những người đang ủ bệnh cũng là một trong những lí do khiến cho trẻ dễ bị lây nhiễm và dẫn tới sốt virus.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sốt cao, kèm theo một số dấu hiệu như: mệt mỏi, đau đầu, nhiệt độ tăng dần… Sốt virus tuy không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Vì vậy, bố mẹ cần chú ý các biểu hiện sốt virus ở trẻ em để kịp thời thăm khám và bác sĩ có phác đồ điều trị hợp lý.
Thời gian nhiễm sốt virus ở trẻ em kéo dài trong bao lâu?
Thời gian ủ bệnh: Trẻ có thể chưa xuất hiện nhiều dấu hiệu đặc trưng, nếu quan sát kĩ bố mẹ có thể thấy trẻ hơi mệt mỏi, khó chịu, ngủ li bì.
Thời gian toàn phát: Trẻ sốt cao, khó chịu và quấy khóc, chán ăn.
Tuy nhiên những dấu hiệu này sẽ giảm dần từ 5 đến 7 ngày tiếp theo. Như vậy, sốt virus ở trẻ em sẽ kết thúc trong khoảng thời gian 7-10 ngày khi được điều trị đúng cách. Điều này khiến cho các bậc phụ huynh dễ nhầm lẫn với những bệnh lý sốt về đường hô hấp. Do đó, hay xảy ra tình trạng chậm trễ trong điều trị, dễ dẫn đến những biến chứng bệnh nguy hiểm mà chúng ta không thể lường trước được đối với sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu của việc sốt virus, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn và tìm kiếm phương pháp điều trị tốt nhất.
Những dấu hiệu điển hình của sốt virus ở trẻ em?
– Trẻ sốt cao: Trẻ sốt cao 39 độ C, thậm chí có thể sốt cao lên đến 40 – 41 độ C. Đây là triệu chứng điển hình và dễ phân biệt nhất của sốt virus so với những loại sốt khác. Sốt cao thường xuất hiện sau 3 – 5 ngày khởi phát bệnh và có xu hướng giảm dần sau đó. Sốt virus khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ, ngủ li bì và ít đáp ứng các loại thuốc hạ sốt thông thường.
– Đau người: Bên cạnh dấu hiệu sốt cao, trẻ còn cảm thấy đau cơ bắp, đau toàn thân, đau đầu… là những triệu chứng của sốt virus ở trẻ.
– Rối loạn tiêu hóa: Trong một số trường hợp, trẻ bị sốt virus có thể sẽ bị đi ngoài phân lỏng, có chất nhày, không có máu. Dấu hiệu này có thể xuất hiện cùng lúc hoặc muộn hơn vài ngày sau khi có triệu chứng sốt.
– Phát ban: Đây cũng là một trong những dấu hiệu điển hình của sốt virus ở trẻ, phát ban xuất hiện từ 2 – 3 ngày sau sốt và tự lặn hết mà không để lại sẹo.
– Viêm đường hô hấp: Ho, hắt hơi, chảy nước mũi, xuất hiện hạch ở đầu cổ, nôn trớ nhiều…
Do đó, khi có những dấu hiệu trên bố mẹ không nên chủ quan để trẻ ở nhà tự theo dõi và điều trị mà nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám, từ có đó biện pháp điều trị phù hợp.
Cần làm gì khi trẻ bị sốt virus?
Hiện nay, sốt virus chưa có thuốc điều trị đặc trị, chủ yếu dựa trên những nguyên tắc như: nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng, điều trị theo các dấu hiệu và phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra.
Ngay khi có các dấu hiệu sốt virus ở trẻ em, nguyên tắc đầu tiên trong việc chăm sóc trẻ tại nhà là hạ sốt:
– Hạ sốt cho trẻ: Trong trường hợp trẻ sốt dưới 38,5 độ C, bố mẹ hãy chườm mát cho trẻ bằng khăn mềm, lau khô mồ hôi, cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát, dễ thấm hút. Trường hợp sốt 38,5 độ C trở lên, bố mẹ có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định bác sĩ, thông thường là thuốc hạ sốt đường uống liều 10 – 15mg/kg/lần, cách nhau 4 – 6 giờ.
– Trong trường hợp trẻ sốt trên 39,5 độ C hoặc có tiền sử co giật, bố mẹ có thể dùng thuốc đặt hậu môn hạ sốt và lau mát bằng nước ấm ở vùng trán, nách, bẹn…. Nếu trẻ bị co giật, điều đầu tiên là bố mẹ hãy thật bình tĩnh, giữ trẻ nằm ở nơi an toàn, kê đầu trẻ nằm nghiêng lên một chiếc gối mềm, để giảm đờm nhầy ra ngoài.
– Bổ sung nước cho trẻ ở nhiều dạng: nước lọc, nước ép trái cây, cháo, súp… Theo dõi các dấu hiệu nặng của bệnh để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.