Trẻ sơ sinh táo bón phải làm sao?
Trẻ sơ sinh táo bón là một trong những tình trạng thường gặp, điển hình của việc trẻ bị khó tiêu, tiêu hóa kém, chậm đi tiêu. Khi tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ khó chịu, đau đớn, ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần. Do đó các bậc phụ huynh cần nhận biết sớm tình trạng táo bón để có phương pháp xử lý kịp thời.
Trẻ sơ sinh táo bón: Nguyên nhân do đâu?
Đối với trẻ sơ sinh, nguyên nhân chính bắt nguồn từ chế độ ăn uống.
Ở giai đoạn đầu đời, nguồn thức ăn thiết yếu nhất của trẻ là sữa mẹ. Do đó, chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt của mẹ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ. Việc mẹ ăn nhiều đồ cay nóng, ít chất xơ, nhiều đạm, chế độ ngủ nghỉ không hợp lý, điều độ… cũng là một trong những yếu tố gây nên tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh.
Ngoài nhóm đối tượng trẻ bú mẹ thì nhóm uống sữa công thức cũng xảy ra tình trạng táo bón, xuất phát từ nguyên nhân có thể do một thành phần có trong sữa không phù hợp với thể trạng sức khỏe của trẻ.
Bên cạnh đó nguyên nhân do bệnh lý, việc bé bị táo bón có thể là do bệnh lý tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa hoặc các dị tật bẩm sinh như: Đại tràng bị phình to, bệnh suy giáp trạng…
Cách nào để nhận biết sớm trẻ sơ sinh táo bón?
Tình trạng trẻ sơ sinh táo bón rất dễ nhận ra, do đó bố mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu bất thường của trẻ để có những biện pháp khắc phục, phòng ngừa sớm.
Phân cứng, vón cục: Trẻ sơ sinh mắc chứng táo bón phân thường có các đặc điểm: nhỏ hình viên có màu đen hoặc xám, phân khô. Trong trường hợp phân lẫn máu, điều đó cho thấy hậu môn bé đã bị tổn thương do táo bón.
Tần suất đi đại tiện ít hơn bình thường: Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thường đi ngoài từ 2-3 lần/ngày nhưng nếu thấy trẻ có biểu hiện đi ngoài ít hơn bình thường, khoảng 1-2 ngày mới đi đại tiện một lần, và tình trạng kéo dài liên tục trong 5- 7 ngày, đặc biệt là trẻ mới sinh dưới 1 tháng thì rất có thể bé đã bị táo bón.
Trẻ đầy, trướng bụng: Những bé bị táo bón bụng lúc nào cũng trong tình trạng phình to và sờ thấy cứng. Điều này cho thấy, có thể em bé của bạn đang bị táo bón, khó tiêu.
Trẻ quấy khóc, lười ăn hoặc bỏ ăn: Nếu thấy trẻ quấy khóc, biếng ăn và có các biểu hiện nhăn nhó, khó chịu… là một trong những dấu hiệu mẹ cũng cần lưu ý để nhận biết bệnh táo bón ở trẻ sơ sinh. Từ việc thức ăn trong cơ thể không được tiêu hóa nên dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn, hoặc bỏ ăn, lười ăn.
Xử trí ra sao khi trẻ sơ sinh táo bón?
Nếu tình trạng táo bón kéo dài sẽ khiến thể chất và tinh thần của trẻ bị ảnh hưởng. Chưa kể có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như bệnh trĩ hoặc nguy hiểm hơn là nứt trực tràng. Dưới đây là một số giải pháp hiệu quả điều trị táo bón ở trẻ sơ sinh mà có thể thực hiện thường xuyên tại nhà:
– Đối với những trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ: Mẹ nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống, ngủ nghỉ cho hợp lý, khoa học. Những thực phẩm mẹ bổ sung nên ưu tiên giàu chất xơ, ngũ cốc, sữa chua và các loại trái cây ít ngọt. Bên cạnh đó mỗi ngày nên uống từ 1,5 – 2 lít nước và hạn chế ăn đồ cay nóng…
– Đối với những trẻ uống sữa công thức: Mẹ có thể tham khảo những loại sữa khác giàu dưỡng chất cần thiết để phù hợp với thể trạng và hệ tiêu hóa của trẻ hơn như: chất xơ hòa tan và men vi sinh, chất đạm Lactoferrin, vitamin và khoáng chất.
Bên cạnh đó bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp như massage vùng bụng cho trẻ để kích thích khả năng hoạt động của hệ tiêu hóa, bằng cách dùng 3 ngón tay chụm lại, sau đó đặt nhẹ nhàng lên vùng bụng gần rốn rồi xoa theo chiều kim đồng hồ, lực ấn vừa phải. Mẹ có thể áp dụng phương pháp này hàng ngày và mỗi lần nên làm tầm 3 phút.
– Để giúp bé cảm thấy thoải mái và giảm bớt cảm giác khó chịu do táo bón gây ra, mẹ có thể cho bé ngâm mình trong nước ấm khi tắm. Nước ấm có tác dụng làm giãn cơ vòng hậu môn, đồng thời kích thích nhu động ruột giúp bé đi ngoài dễ dàng hơn.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ cho trẻ, điều này giúp giảm nguy cơ táo bón.
Những biện pháp trên đều mang tính hỗ trợ, cần thực hiện đều đặn mỗi ngày cũng như cần sự kiên trì của bố mẹ và gia đình.
Trẻ sơ sinh táo bón không nghiêm trọng nhưng có thể gây nên nỗi ám ảnh lớn khiến tình trạng này kéo dài, mãn tính. Do đó, trong trường hợp triệu chứng táo bón ở trẻ kéo dài hơn 2 tuần hoặc xuất hiện các triệu chứng đi kèm như: sốt, nôn ói, đi phân lẫn máu, bụng trướng, nứt hậu môn thì nên đưa trẻ đến ngay các sở y tế để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm.