Viêm họng cấp ở trẻ: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm họng cấp ở trẻ là bệnh khá phổ biến về đường hô hấp. Thời tiết giao mùa tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển thuận lợi, gây bệnh viêm họng cấp trẻ. Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng.
Viêm họng cấp ở trẻ em là gì?
Viêm họng cấp ở trẻ là bệnh lý viêm đường hô hấp trên khá thường gặp. Đây là tình trạng viêm nhiễm ở các tổ chức niêm mạc phía sau cổ họng gây ra cảm giác đau, ngứa ngáy và nóng rát ở cổ họng. Bệnh lý này có thể tái đi tái lại từ 4 – 6 lần ở bất kỳ thời điểm nào trong một năm, đặc biệt vào thời điểm giao mùa hoặc mùa lạnh.
Do đó, cha mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để chăm sóc, ngăn ngừa và điều trị đúng cách cho con, giúp con luôn khỏe mạnh và phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần toàn diện.
Nguyên nhân gây bệnh viêm họng cấp
Nguyên nhân gây bệnh viêm họng cấp ở trẻ chủ yếu do hai nhóm tác nhân chính, đó là:
- Môi trường: Thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi đột ngột; môi trường ô nhiễm khói bụi; trẻ thay đổi môi trường sống (nhà ở và trường học); trẻ cai sữa hoặc thay đổi chế độ ăn dặm.
- Virus, vi khuẩn, nấm: Phần lớn các trường hợp bị bệnh chủ yếu là do virus gây ra như: virus cúm, sởi, Adeno,… Viêm họng cấp do vi khuẩn thường ít gặp hơn, do phế cầu, tụ cầu, liên cầu gây ra. Mặt khác, nấm Candida cũng có thể gây bệnh này.
Triệu chứng của bệnh viêm họng cấp ở trẻ như thế nào?
Bệnh thường có các dấu hiệu điển hình như:
- Nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi
- Đau họng, ho khan, ho có đờm
- Sốt nhẹ <39 độ C hoặc sốt cao từ 39 – 40 độ C
- Khó chịu, biếng ăn, quấy khóc, khó ngủ
- Nôn mửa, đi đại tiện phân lỏng
Viêm họng cấp ở trẻ có gây nguy hiểm không?
Viêm họng cấp ở trẻ do virus gây ra có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm màng não, sau đó có thể gây bội nhiễm ở phế quản và phổi.
Trong khi đó, viêm họng cấp do vi khuẩn, cụ thể là liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A có thể gây biến chứng đặc biệt nguy hiểm như: viêm cầu thận cấp, viêm khớp cấp, viêm nội tâm mạc cấp tính và mãn tính, từ đó có thể gây hẹp van tim hoặc hở van tim,…
Cách điều trị và chăm sóc viêm họng cấp như thế nào?
- Cách điều trị viêm họng cấp
Đối với viêm họng cấp ở trẻ nguyên nhân do virus, nguyên tắc là cần điều trị các triệu chứng, đồng thời theo dõi thêm đề phòng biến chứng. Phương pháp điều trị triệu chứng bao gồm: dùng thuốc hạ sốt, giảm ho, bù điện giải, bù nước do sốt cao. Bệnh sẽ ổn định dần sau khoảng 5 – 7 ngày,.
Đối với viêm họng cấp nguyên nhân do vi khuẩn, trẻ phải dùng kháng sinh để điều trị, liều dùng tối thiểu 7 ngày. Trường hợp trẻ sốt cao và kéo dài cần lưu ý bù điện giải và nước, giúp trẻ nâng cao thể trạng và sức đề kháng. Trẻ cũng cần được theo dõi đề phòng các biến chứng như: viêm mũi xoang, viêm phế quản phổi, áp xe thành sau họng, áp xe amidan,
2. Cách chăm sóc trẻ bị viêm họng cấp
Viêm họng cấp ở trẻ khiến trẻ đau họng, khó chịu, sổ mũi, nghẹt mũi. Do đó, trẻ cần được chăm sóc và nghỉ ngơi:
- Để giảm sổ mũi, nghẹt mũi, có thể dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi, vệ sinh mũi, giúp thông thoáng đường thở của trẻ.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhất là rau củ và trái cây giàu vitamin giúp trẻ tăng sức đề kháng. Ngoài ra, nên cho trẻ ăn thức ăn ở dạng lỏng, dễ nuốt và tiêu hóa dễ dàng.
- Viêm họng cấp ở trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có khả năng gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, cần phòng ngừa bệnh viêm họng cấp cho trẻ bằng cách luôn giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống xung quanh thông thoáng, sạch sẽ.
Trẻ bị viêm họng cấp khi nào cần đưa đi khám ngay?
Một số biểu hiện thông thường khi trẻ bị viêm họng cấp là:
- Sốt nhẹ, sốt cao, khoảng từ 39 độ C – 40 độ C
- Chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau họng, nuốt khó, nhức đầu, mệt mỏi
- Ho khan hoặc ho có đờm
- Trẻ quấy khóc, khó ngủ, bỏ ăn, nghẹt mũi do phải thở bằng miệng.
- Trẻ nôn, đi ngoài phân lỏng
Cần đưa trẻ bị viêm họng cấp đến cơ sở y tế ngay khi có những biểu hiện như:
- Sốt cao liên tục trên 38 độ C, và đã sử dụng các biện pháp hạ sốt nhưng không có tác dụng với trẻ hay trẻ bị co giật.
- Trẻ ho dữ dội, dai dẳng, thở gấp, thở khó, co rút lồng ngực.
- Trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, trẻ nôn trớ nhiều.
- Chảy dịch tai
- Trẻ có các triệu chứng trên liên tục trong 2 ngày và điều trị nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm.