Viêm xoang ở trẻ em có nhanh khỏi không?
Không chỉ người lớn mới bị viêm xoang mà viêm xoang ở trẻ em cũng khá phổ biến. Làm thế nào để biết trẻ bị viêm xoang, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây cùng Wikimom:
Viêm xoang ở trẻ em có các triệu chứng gì?
Theo nhiều khảo sát, viêm xoang ở trẻ em thường xuất hiện ở các bé dưới 6 tuổi, có thể trạng gầy yếu, sống và tiếp xúc lâu ngày trong môi trường không khí bị ô nhiễm hoặc những trẻ hay bị các bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp trên không chữa trị dứt điểm mà để lâu ngày.
Viêm xoang ở trẻ em thường có biểu hiện chảy nước mũi, ngạt mũi hoặc sổ mũi.
Viêm xoang ở trẻ em thường có các triệu chứng sau đây:
- Cảm lạnh kéo dài hơn 10 đến 14 ngày
- Sốt nhẹ hoặc thậm chí sốt cao
- Chảy nước mũi đặc màu vàng xanh trong ít nhất ba ngày liên tiếp
- Chảy nước mũi sau, đôi khi bị đau họng, ho, hôi miệng, buồn nôn
- Nhức đầu, ù tai, ngạt mũi hoặc sổ mũi
- Khó chịu, mệt mỏi
- Suy giảm khứu giác, ho nhiều
- Sưng quanh mắt
Đây là những dấu hiệu điển hình nhất khi bé bị viêm xoang cha mẹ cần chú ý.
Và theo các nhà khoa học, viêm xoang ở trẻ em bao gồm 3 loại: viêm xoang cấp tính, viêm xoang mãn tính và viêm xoang bán tính.
Nguyên nhân gây viêm xoang ở trẻ em?
Có nhiều nguyên nhân có thể gây viêm xoang ở trẻ em. Và chúng dễ bị nhiễm trùng mũi, xoang và tai, đặc biệt là trong những năm đầu đời.
- Viên xoang ở trẻ em có thể do nhiễm vi rút, vi khuẩn. Trong môi trường không khí bị ô nhiễm, vi khuẩn vi rút xâm nhập vào cơ thể trẻ, cụ thể là xâm nhập vào các xoang gây ùn ứ chất nhầy, luồng không khí lưu thông bị cản trở dẫn đến viêm xoang.
- Trẻ cũng có thể bị viêm xoang do bị dị ứng. Trẻ bị dị ứng bởi các tác nhân như phấn hoa, lông chó mèo…. cũng rất dễ bị viêm xoang vì khi bị dị ứng sẽ khiến niêm mạc mũi bị phù nề khó chịu, gây tắc các lỗ thông xoang.
- Giữ vệ sinh khoang mũi kém cũng dẫn đến bụi bẩn tích tụ, lâu ngày gây cản trở lưu thông không khí, ứ đọng chất nhầy trong các xoang.
- Ngoài ra, các dị tật về hốc mũi, vòm họng, lệch vách ngăn… hoặc các chấn thương ở vùng này cũng khiến cho trẻ dễ bị viêm xoang.
- Các vấn đề về miễn dịch hoặc thiếu hụt kháng thể là nguy cơ khiến bé mắc bệnh viêm xoang.
Viêm xoang ở trẻ em có nhanh khỏi không?
Viêm xoang ở trẻ em được chia ra 3 loại như đã nêu ở trên là viêm xoang cấp tính, viêm xoang mãn tính và viêm xoang bán tính. Tùy từng loại viêm xoang mà thời gian khỏi bệnh của trẻ sẽ khác nhau.
Với viêm xoang cấp tính, trẻ thường sẽ khỏi trong vòng 10 ngày mà không cần điều trị đặc hiệu nào.
Trẻ bị viêm xoang bán tính sẽ khỏi trong 4-12 tuần và viêm xoang mãn tính sẽ khỏi sau trên 12 tuần.
Cách ngăn ngừa viêm xoang ở trẻ em
Cha mẹ hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bệnh viêm xoang ở trẻ em. Dưới đây là một số biện pháp hữu ích bảo vệ bé trước căn bệnh này bao gồm:
Nên vệ sinh, xịt rửa mũi cho bé thường xuyên để tránh viêm xoang.
- Xịt rửa mũi cho bé thường xuyên bằng nước muối để vệ sinh, loại bỏ các vi khuẩn, đồng thời để giữ cho mũi càng ẩm càng tốt. Lưu ý, nhiều cha mẹ mong muốn con hết nghẹt mũi nên đã rửa mũi cho con bằng cách bơm xilanh nước muối vào mũi. Tuy nhiên, việc sử dụng xilanh rửa mũi bị tắc nghẽn có thể khiến nước muối không thể chảy vào được mà chảy sang hai bên tai. Điều này có thể khiến trẻ mắc thêm viêm tai. Do đó, hãy hết sức cẩn thận để tránh cho bé bị xoang nặng hơn.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để giúp mũi bé không bị khô
- Giữ bé tránh xa khói thuốc lá và khói bụi ô nhiễm
- Cho bé tránh xa những thứ gây ra các triệu chứng dị ứng như lông chó mèo, phấn hoa, bụi, ẩm mốc
- Hãy tạo thói quen vệ sinh tay sạch sẽ cho trẻ,ra ngoài nên cho trẻ đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm các bệnh khác từ những người xung quanh.
Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng viêm xoang ở trẻ nếu không được điều trị dứt điểm sẽ có những biến chứng ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ sau này.
Viêm xoang ở trẻ có thể biến chứng nặng như viêm màng não, mù mắt, giảm thính lực do viêm xoang có thể kéo theo viêm tai giữa lặp đi lặp lại nhiều lần, nhiễm trùng máu. Một số trường hợp trẻ sẽ bị áp xe dưới màng xương, áp xe vùng mắt, thậm chí áp xe trong não….
Do vậy, cha mẹ nên cho bé đi kiểm tra để xác định tình trạng của bệnh và sử dụng các biện pháp can thiệp cần thiết.
Điều trị khi trẻ bị viêm xoang
Điều trị viêm xoang ở trẻ em cần có sự tư vấn và phác đồ của bác sĩ. Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc nào mà không có chỉ dẫn của bác sĩ. Tùy từng loại viêm xoang mà các bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị dùng thuốc hay can thiệp phẫu thuật. Một số thuốc thường dùng điều trị viêm xoang bao gồm thuốc điều trị toàn thân như thuốc kháng sinh, thuốc giảm viêm, thuốc kháng histamin, thuốc loãng đờm… Một số thuốc điều trị tại chỗ như thuốc co mạch, thuốc chống viêm tại chỗ, hút rửa mũi xoang…