Bệnh bạch hầu ở trẻ em: Triệu chứng và cách phòng tránh
Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Nó lây lan dễ dàng và xảy ra nhanh chóng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của trẻ em, thậm chí gây tử vong. Dưới đây, Wikimom sẽ giới thiệu với cha mẹ các thông tin liên quan đến căn bệnh này cũng như cách phòng ngừa.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm ở đường hô hấp trên do vi khuẩn hình que gram dương Corynebacterium diphtheriae gây ra. Một số loại Corynebacterium diphtheriae giải phóng độc tố mạnh có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh. Bệnh có thể lây từ người này sang người khác khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Các giọt bắn chứa vi khuẩn sẽ lan ra không khí và lây đến người tiếp theo. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây khi dùng chung đồ vật chứa các tiết dịch của bệnh nhân bạch hầu hoặc xâm nhập qua vùng da bị tổn thương.
Trẻ bị bạch hầu xuất hiện lớp màng giả ở cổ họng.
Ngoài bạch hầu ở vùng hô hấp trên như họng, mũi, thanh quản, còn có loại bạch hầu da là loại rất hiếm gặp với các biểu hiện trên da xuất hiện các vết loét hoặc mụn nước. Các vết loét trông giống như vết trầy xước và có thể xuất hiện dưới nhiều hình dạng khác nhau ở cánh tay và chân và giống với các tình trạng da khác như bệnh chàm, bệnh vẩy nến. Một số ít bệnh nhân bị loét hở ở da và không lành. Vết loét có thể gây đau, tấy đỏ và có thể chảy nước.
Với bạch hầu ở đường hô hấp trên, các triệu chứng của bệnh bạch hầu thường bắt đầu từ 2 đến 5 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Ở giai đoạn đầu, bệnh có thể bị nhầm lẫn với bệnh viêm họng nặng. Các triệu chứng của bệnh bắt đầu xuất hiện bao gồm:
- Đau họng, đau khi nuốt, khàn giọng, sốt nhẹ (38 đến 38,9°C hoặc 100,4 đến 102°F)
- Nhịp tim nhanh
- Trẻ mệt mỏi, quấy khóc, biếng ăn
- Trẻ bị buồn nôn, nôn, ớn lạnh và đau đầu.
- Các hạch bạch huyết ở cổ có thể bị sưng lên (gọi là cổ bò). Nhiễm trùng họng có thể gây phù nề, làm tắc nghẽn đường thở và gây khó thở.
- Xuất hiện lớp màng giả có thể hình thành gần amidan hoặc các bộ phận khác của cổ họng. Lớp màng này là một vảy cứng, màu xám được hình thành bởi vi khuẩn bao phủ bề mặt (trong trường hợp này là cổ họng). Nó bao gồm các tế bào bạch cầu chết, vi khuẩn và các vật liệu khác. Màng giả gây hẹp đường thở. Vòm miệng có thể bị tê. Khi hít vào, màng giả có thể khiến bệnh nhân phát ra những tiếng thở khò khè ồn ào. Tương tự như vậy, màng giả có thể kéo dài vào khí quản hoặc đường thở hoặc đột ngột bong ra và chặn hoàn toàn đường thở. Kết quả là bệnh nhân có thể không thở được và rơi vào trạng thái nguy hiểm.
Bệnh bạch hầu ở trẻ nguy hiểm như thế nào?
Bệnh bạch hầu ở trẻ có thể gây tử vong.
- Độc tố do một số loại vi khuẩn bạch hầu tạo ra đôi khi có thể ảnh hưởng đến một số dây thần kinh, đặc biệt là các dây thần kinh ở cơ mặt, cổ họng, cánh tay và chân, gây ra các triệu chứng như khó nuốt hoặc khó cử động mắt, cánh tay hoặc chân.
- Cơ hoành (cơ quan trọng nhất dùng để hít vào) có thể bị tê liệt, đôi khi dẫn đến tình trạng trẻ bị suy hô hấp.
- Tác động của chất độc lên dây thần kinh có thể dẫn đến tăng nhịp tim, nhịp tim bất thường và huyết áp thấp ở trẻ.
- Độc tố vi khuẩn cũng có thể gây tổn thương tim, gây viêm cơ tim (viêm cơ tim), đôi khi dẫn đến nhịp tim bất thường, suy tim và trẻ có thể tử vong.
Đối với những trẻ chưa được tiêm chủng mà không được điều trị đầy đủ, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong trong khoảng 30% trường hợp, trong đó trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn.
Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu ở trẻ
Tiêm phòng là cách phòng tránh bệnh bạch hầu ở trẻ.
Cách ngăn ngừa bệnh bạch hầu hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào việc tiêm vắc xin bạch hầu/uốn ván/ho gà cho trẻ em (DTaP). Trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em hiện nay, vắc xin này được khuyến khích tiêm cho tất cả trẻ em. Vì thế cha mẹ hãy chú ý đến lịch tiêm phòng của con để cho bé đi tiêm đúng thời gian theo khuyến cáo. Cụ thể:
- Trẻ em dưới 7 tuổi: Vắc-xin kết hợp DTaP là một phần của tiêm chủng định kỳ cho trẻ em. Trẻ sẽ được tiêm 3 liều lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và nhắc lại lần một vào lúc 18 tháng tuổi. Trẻ từ 4-6 tuổi có thể nhắc lại vắc-xin 4 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.
- Thanh thiếu niên và người lớn: Vắc xin được tiêm nhắc lại 10 năm một lần.’
Nếu không may, trẻ tiếp xúc với bệnh nhân đang mắc bạch hầu, cha mẹ hãy bình tĩnh, cho trẻ đi kiểm tra nhiễm trùng và cho dùng kháng sinh dự phòng trong 7 ngày theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu nếu nghi ngờ trẻ bị bệnh bạch hầu, cha mẹ chú ý cần tiến hành xét nghiệm càng sớm càng tốt để xác nhận bệnh kịp thời và bắt đầu điều trị theo chỉ dẫn y tế. Thông thường, các trường hợp mắc bệnh bạch hầu thường được điều trị bằng thuốc kháng độc tố bạch hầu cũng như kháng sinh.