Sốt mọc răng ở trẻ: Dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc đúng cách
Sốt mọc răng ở trẻ là hiện tượng thường gặp trong giai đoạn trẻ từ 6 tháng tuổi. Việc mọc răng có thể khiến trẻ cảm thấy đau nhức, quấy khóc vì khó chịu. Vậy sốt mọc răng ở trẻ mấy ngày thì khỏi? Bố mẹ nên chăm sóc trẻ như thế nào là đúng cách?
Biểu hiện sốt mọc răng ở trẻ
Bé thường bắt đầu mọc răng từ 6-8 tháng tuổi. Một số trường hợp trẻ có thể mọc răng sớm hơn, cũng có thể mọc muộn hơn. Song sốt mọc răng thường xảy ra trong giai đoạn này, một số trẻ có thể bị sốt, tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng bị sốt khi mọc răng. Sốt mọc răng có thể xảy ra hoặc không tùy thuộc vào cơ địa và sức khỏe của từng trẻ.
Phần lớn các trường hợp sốt mọc răng ở trẻ đều khá nhẹ từ 38 độ C đến 38,5 độ C. Trong khi đó một số ít khác là những trường hợp trẻ bị sốt cao trên 39 độ kèm theo phát ban, li bì, tiêu chảy…
Ngoài tình trạng sốt cao, trẻ còn có thể kèm theo những dấu hiệu phổ biến như chảy nước dãi quanh miệng, ngứa nướu, đau nướu. Nướu lợi của trẻ có hiện tượng sưng đỏ, thường biểu hiện vài ngày trước khi mọc răng. Trẻ hay gặm cắn đồ chơi hoặc đưa các đồ vật xung quanh vào trong miệng vì mầm răng nhú lên khiến lợi trẻ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Bên cạnh đó, trẻ sẽ cảm thấy cáu gắt, chán ăn, quấy khóc nhiều vào cả ban ngày và ban đêm.
Tóm lại, khi trẻ bị sốt do mọc răng là do các nướu sưng to khiến thân nhiệt tăng cao hơn so với bình thường. Tuy nhiên, đây là một hiện tượng bình thường và là phản xạ có lợi của cơ thể, bố mẹ không nên quá lo lắng.
Khi trẻ bị sốt do mọc răng, phải làm sao?
Thông thường sốt mọc răng ở trẻ sẽ tự khỏi sau 3 – 4 ngày sau khi răng nhú lên, có thể nhanh hơn nữa nếu bố mẹ chăm sóc đúng cách.
Đối với sốt do mọc răng ở trẻ, nếu không sốt trên 38,5 độ, bố mẹ không cần cho con uống thuốc hạ sốt mà chỉ cần chườm ấm, lau người cho trẻ. Tuyệt đối không lau người bằng nước quá nóng hay quá lạnh. Đồng thời cho trẻ mặc quần áo rộng, thoáng mát, chất liệu thấm hút tốt để hạ thân nhiệt. Nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao trên 39 độ kèm tình trạng li bì hay co giật, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Sốt cao thường hay gây ra tình trạng mất nước trong cơ thể, do đó bố mẹ nên cho trẻ uống thêm nước lọc ấm (hoặc có thể pha sữa bình cho bé loãng hơn bình thường). Trường hợp bé không uống được nước, dùng tăm bông sạch chấm nước vào môi, miệng bé để bé không bị khô môi và cũng tránh được tình trạng mất nước.
Nếu trẻ bị sốt cao kèm tiêu chảy nhiều lần trong ngày nhưng lượng phân và lượng nước ra ít thì không cần cho uống bù nước, hãy cứ cho ăn uống bình thường. Nếu phân nhiều nước hoặc trẻ đi quá nhiều lần thì nên đưa đến cơ sở y tế để được điều trị.
Ngoài việc điều hòa thân nhiệt, bố mẹ cần lưu ý ở thời điểm này là tập trung giảm sự khó chịu, bứt rứt, ngứa lợi cho trẻ. Đồng thời đảm bảo vệ sinh răng miệng cho trẻ một cách nhẹ nhàng, đúng cách để tránh vi khuẩn xâm nhập khiến lợi sưng đau nặng hơn.
Trong trường hợp trẻ bị chảy nước dãi: Nếu trẻ chảy dãi nhiều bố mẹ nên sử dụng yếm đeo cổ, đồng thời sử dụng loại khăn xô để lau nhẹ nhàng cho trẻ. Khi trẻ mới mọc răng, bố mẹ có thể dùng miếng gạc quấn quanh ngón tay rồi nhúng nhẹ vào nước ấm để vệ sinh răng cho trẻ vào mỗi buổi sáng và trước khi đi ngủ.
Trong trường hợp trẻ bị ngứa nướu lợi, bố mẹ có thể:
– Mua cho trẻ đồ gặm nướu chuyên dụng để bé giảm bớt sự khó chịu mà không gây tổn thương đến mô nướu còn non nớt. Trước và trong quá trình cho trẻ sử dụng, bố mẹ nên vệ sinh, khử trùng sạch sẽ để xâm nhập vào cơ thể trẻ vì lúc này nướu lợi của trẻ rất dễ bị tổn thương.
Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng qua những bữa ăn hàng ngày cho trẻ, bố mẹ có thể bổ sung các sản phẩm cung cấp lysine, khoáng chất, vitamin thiết yếu như kẽm, selen, crom, vitamin nhóm B để giúp trẻ xen ngon miệng hơn, tăng cường hấp thụ dưỡng chất có trong thực phẩm hàng ngày.
Tóm lại khi trẻ mọc răng sẽ không tránh khỏi được tình trạng mệt mỏi, quấy khóc, ít ngủ… Việc nắm rõ các triệu chứng của việc mọc răng sẽ giúp bố mẹ phân biệt được đâu là sốt do mọc răng với sốt do những bệnh truyền nhiễm cấp tính khác, để từ đó có những cách chăm sóc phù hợp và đúng cách.
Trong những trường hợp trẻ sốt cao, dai dẳng, khó giảm, li bì và mệt mỏi, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để được bác sĩ tư vấn và điều trị đúng cách, kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất cứ loại thảo dược nào để chà xát lên vùng nướu răng của trẻ khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ, khiến tình trạng trở nên nguy hiểm.