Sức Khỏe Cho Mẹ - Tương Lai Cho Bé
Trang chủ / Tê bì chân tay sau sinh: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Tê bì chân tay sau sinh: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Tác giả: Bác sĩ Wikimom

Nhiều bà mẹ bị tê bì tay chân sau sinh, đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này. Wikimom xin giới thiệu đến quý bạn đọc các thông tin liên quan đến tình trạng này.

Tê bì chân tay sau sinh là gì? Nguyên nhân gây tê bì chân tay sau sinh

Tê bì chân tay là một rối loạn cảm giác, khi đó người bị bệnh có thể mất cảm giác một phần hoặc toàn phần do dây thần kinh bị chèn ép ở tay hoặc chân.

Một số nguyên nhân gây tê bì chân tay sau sinh:

Nguyên nhân gây ra chứng tê bì tay chân sau sinh ở phụ nữ là do khi mang thai, cơ thể phụ nữ giữ lại nhiều chất lỏng hơn bình thường. Thông thường chất lỏng này không được loại bỏ cho đến vài tháng sau khi sinh. Chất lỏng này có thể chèn ép các dây thần kinh khác nhau trong cơ thể gây ra hội chứng ống cổ tay trực tiếp gây nên hiện tượng tê bì chân tay.

Tê bì chân tay sau sinh có thể là biểu hiện của thiếu hụt canxi.

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ sẽ sản xuất ra hóc môn relaxin khiến các khớp bị nới lỏng, đặc biệt là nới lỏng xương chậu để giúp em bé dễ dàng ra ngoài. Khi các khớp bị nới lỏng, các dây thần kinh cũng dễ bị chèn ép dẫn đến tình trạng này.

Những phụ nữ có tiền sử huyết áp thấp cũng dễ mắc phải hội chứng này sau khi sinh. Bởi khi bị huyết áp thấp, lượng máu cung cấp đến các bộ phận của cơ thể như tay, chân bị suy giảm dẫn đến thiếu máu ở các mô và chúng sẽ tác động đến dây thần kinh.

Tê bì chân tay sau sinh có thể là biểu hiện của thiếu hụt canxi. Phụ nữ mang thai và sau sinh cần phải bổ sung lượng lớn canxi để cung cấp cho thai nhi cũng như đảm bảo sức khoẻ của mình. Nếu thiếu hụt canxi, các bà mẹ dễ mắc phải tình trạng loãng xương, thoát vị đĩa đệm…. gây ra chèn ép dây thần kinh và gây ra hiện tượng tê bì.

Ngoài ra, nếu các mẹ ngồi, nằm sai tư thế, ngồi một chỗ quá lâu không di chuyển, các bệnh lý về xương khớp cũng có thể khiến các mẹ bị tê bì.

Các biểu hiện của tê bì tay chân sau sinh

Sau khi sinh, chị em sẽ gặp phải nhiều vấn đề bất tiện, nhất là khi gặp hội chứng tê bì chân tay. Chúng thường có biểu hiện tê, ngứa râm ran và có cảm giác như bị kim đâm.

te-bi-chan-tay-sau-sinh

Khi bị tê bì chân tay, các mẹ cũng có thể bị những cơn đau từ chuột rút

Tê và ngứa râm ran là những cảm giác bất thường có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng chúng thường được cảm nhận ở ngón tay, bàn tay, bàn chân, cánh tay hoặc cẳng chân.

Tê bì chân tay có thể kéo theo các hiện tượng đau mỏi cổ, vai, gáy hoặc lan xuống nửa người. Ngoài ra, tình trạng này có thể lan ra gây mất cảm giác ở cả cánh tay, ống chân, bàn chân…gây khó khăn cho việc đứng hoặc đi lại trong khoảng thời gian nhất định.

Một trong các triệu chứng khác của hội chứng này là chuột rút. Khi bị tê bì chân tay, các mẹ cũng có thể bị những cơn đau từ chuột rút hành hạ.

Tê bì tay chân sau sinh không nguy hiểm nhưng đôi khi nó lại là dấu hiệu của bệnh tật. Nếu tình trạng kéo dài trên 4 tuần kèm theo các dấu hiệu khác dưới đây, các mẹ hãy đến bác sĩ tư vấn để kiểm tra:

  • Mệt mỏi, khó thở
  • Đau nhức, tê buốt kéo dài
  • Màu sắc da ở bộ phận bị tê bì thay đổi
  • Di chuyển khó khăn hoặc không di chuyển được.

Vì nếu không kiểm tra và phát hiện bệnh lý kịp thời, tê bì chân tay dễ biến chứng thành các bệnh lý gây teo cơ, mất khả năng vận động hoặc có thể là dấu hiệu của các khối u chèn ép dây thần kinh…

Cách phòng tránh tê bì chân tay sau sinh

te-bi-chan-tay-sau-sinh

Tập Yoga có thể giúp giảm tê bì chân tay sau sinh.

Để phòng tránh tê bì chân tay sau sinh, các chị em nên chú ý:

  • Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt nên bổ sung canxi, magie, các vitamin nhóm B, K… hoặc các thực phẩm chứa Glucosamin để giúp xương chắc khoẻ. Riêng hàm lượng canxi, các nhà khoa học khuyến cáo nên bổ sung cho mẹ sau sinh khoảng 1300mg mỗi ngày. Do khi mẹ cho con bú, đặc biệt là trong 6 tháng đầu, chỉ có khoảng 1000mg được cơ thể mẹ hấp thụ, số còn lại thông qua sữa sẽ dành cho em bé.
  • Vận động, tập thể dục thường xuyên và tránh sai tư thế. Các mẹ có thể thực hiện các bài tập như yoga, đi bộ, massage nhẹ nhàng chân tay để máu lưu thông tốt hơn.
  • Cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể, khuyến khích nên uống 8 cốc nước mỗi ngày. 
  • Kiểm soát cân nặng phù hợp vì khi cơ thể quá nặng nề khiến tăng áp lực lên xương và dây thần kinh. 
  • Không lạm dụng thuốc lá, rượu bia, đồ ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ.
  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc gây nên tác dụng phụ tê bì chân tay
  • Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, không thức quá khuya, ngủ đủ giấc và nên giữ cho tinh thần được thoải mái, không căng thẳng, lo âu quá nhiều. 
  • Nên tắm nước ấm để tăng cường lưu thông máu
  • Tránh mang vác, bê các đồ vật nặng để tránh dây thần kinh bị chèn ép

Trên đây là một số phương pháp phòng ngừa tê bì chân tay sau sinh các bà mẹ nên lưu ý để không bị tình trạng này ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày. 

082.959.3399
Zalo Messenger
Đăng ký tư vấn Nhi khoa Online Miễn Phí